Chứng khoán Mỹ tăng tuần thứ 5 liên tiếp lên mức cao kỷ lục
Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ Chứng khoán hôm nay 1/2/2024 có gì đặc biệt? Chứng khoán hôm nay 7/2/2024: VN-Index có thể sẽ rung lắc |
Chứng khoán Mỹ tăng tuần thứ 5 liên tiếp lên mức cao kỷ lục
Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ duy trì đà tăng sang tuần thứ 5 liên tiếp, với chỉ số Dow Jones, S&P500 và Nasdaq ghi nhận mức tăng lần lượt là 0,04%, 1,37% và 2,31% lên mức cao kỷ lục mới.
Báo cáo thu nhập khả quan từ một số công ty lớn đã hỗ trợ cho đà tăng của chỉ số chung. Ngoài ra, kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sớm hạ cánh mềm sau loạt dữ liệu kinh tế cho thấy sức mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng góp phần thúc đẩy lực mua trên thị trường cổ phiếu.
OECD nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất công bố ngày 5/2, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đưa ra triển vọng lạc quan hơn về nền kinh tế toàn cầu so với trước đây. Tăng trưởng kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng 2,9% trong năm nay, cao hơn so với hơn mức 2,7% theo ước tính hồi tháng 11/2023. Tại các nền kinh tế lớn, Mỹ đặc biệt khởi sắc vào cuối năm 2023 nhờ chi tiêu tiêu dùng và thị trường lao động mạnh mẽ, đồng thời OECD đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng năm 2024 của quốc gia này lên 2,1%, từ 1,5%.
Tuy nhiên, OECD cũng cảnh báo rằng các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới không được mất cảnh giác trong cuộc chiến chống lạm phát.
Nền kinh tế Mỹ duy trì mạnh mẽ
Theo báo cáo của Viện Quản lý Cung ứng (ISM), hoạt động dịch vụ tại Mỹ tiếp tục mở rộng trong tháng 1/2024 khi chỉ số quản lý mua hàng (PMI) phi sản xuất đạt 53,4 điểm, mức cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây, đồng thời cao hơn so với dự báo 52 điểm của các chuyên gia kinh tế. Trong khi đó, thị trường lao động Mỹ vẫn đang trong trạng thái ổn định, với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 3/2 đạt 218.000 đơn, thấp hơn so với dự báo 221.000 và mức 227.000 bị điều chỉnh tăng của tuần trước đó.
Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tiếp tục mở rộng trong tháng 1/2024, trong khi thị trường lao động ổn định, cho thấy sức mạnh của nền kinh tế Mỹ bất chấp áp lực từ môi trường lãi suất cao, điều này có thể khiến kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm cắt giảm lãi suất bị đẩy lùi xa hơn.
Các quan chức FED thận trọng về thời điểm cắt giảm lãi suất
Phát biểu trong ngày hôm qua, các quan chức FED nhìn chung khá thận trọng về thời điểm FED có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất. Trong đó, Chủ tịch FED bang Cleveland, Loretta Mester, cho biết nếu nền kinh tế Mỹ hoạt động như bà mong đợi, điều này có thể mở ra cơ hội cắt giảm lãi suất, nhưng bà chưa sẵn sàng đưa ra bất kỳ thời điểm nào để nới lỏng chính sách trong bối cảnh lạm phát đang diễn ra không chắc chắn.
Trong khi đó, Thống đốc FED Adriana Kugler cho biết bà lạc quan về lạm phát sẽ tiếp tục giảm, nhưng các nhà hoạch định chính sách cần thêm niềm tin trước khi hạ lãi suất chuẩn. Chủ tịch FED bang Boston Susan Collins cho biết nếu nền kinh tế đáp ứng kỳ vọng của bà thì FED có thể sẽ hạ lãi suất vào một thời điểm nào đó vào cuối năm nay, nhưng quan chức này biết bà sẽ cần xem thêm bằng chứng lạm phát đang giảm xuống mục tiêu 2% trước khi ủng hộ việc nới lỏng mục tiêu lãi suất của ngân hàng trung ương. Ngoài ra, Chủ tịch FED bang Minneapolis Neel Kashkari cũng cho biết các quan chức cần xem dữ liệu lạm phát “vài tháng nữa” trước khi cắt giảm lãi suất, đồng thời ông cho rằng việc cắt giảm hai đến ba lần có thể sẽ phù hợp cho năm 2024.