Chính thức miễn kiểm định phương tiện mới và kéo dài chu kỳ đăng kiểm
Các loại xe ôtô mới sẽ được miễn kiểm định lần đầu từ ngày 1/7? Có hơn 3 triệu phương tiện ôtô sắp được kéo dài chu kỳ kiểm định |
Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, chính thức có hiệu lực thi hành từ 0 giờ ngày hôm nay (22/3), trong đó điểm đáng chú ý là miễn lần đầu đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng và kéo dài chu kỳ kiểm định xe cơ giới.
Bộ Giao thông vận tải đánh giá, thời gian qua, quá trình triển khai áp dụng Thông tư 16, đã bộc lộ một số bất cập như yêu cầu kiểm định đối với phương tiện mới, chu kỳ kiểm định chưa thật sự phù hợp với điều kiện thực tiễn, đặc biệt đối với phương tiện cá nhân (xe không kinh doanh vận tải)…
Trên cơ sở đó, Bộ đã rà soát, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ và được chấp thuận cho phép sửa đổi Thông tư 16 theo trình tự rút gọn.
“Đến nay, sau 1 tháng khẩn trương, tập trung triển khai, Thông tư 02 sửa đổi Thông tư 16 đã hoàn thành và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 22/3”, đại diện Bộ Giao thông vận tải thông tin.
Theo đó, Thông tư số 02 sẽ miễn kiểm định lần đầu đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng và có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm (năm sản xuất cộng 1 năm) và có đủ hồ sơ hợp lệ; được cấp tem và giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với một số loại xe cơ giới.
Cụ thể, ô-tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải được điều chỉnh chu kỳ đầu miễn kiểm định và tăng từ 30 tháng lên 36 tháng; thời gian sản xuất đến 7 năm thì chu kỳ tăng từ 18 lên 24 tháng; thời gian sản xuất hơn 7 năm đến 20 năm (trước đây là 12 năm) thì chu kỳ giữ nguyên 12 tháng; thời gian sản xuất hơn 20 năm thì chu kỳ kiểm định giữ nguyên 6 tháng.
Ô-tô chở người các loại hơn 9 chỗ, chu kỳ đầu miễn kiểm định và tăng từ 18 lên 24 tháng; thời gian sản xuất đến 5 năm thì chu kỳ tăng từ 6 lên 12 tháng; thời gian sản xuất hơn 5 năm thì chu kỳ giữ nguyên 6 tháng.
Nhóm ô-tô tải các loại, ô-tô đầu kéo có thời gian sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô-tô tải, ô-tô đầu kéo đã cải tạo thành ô-tô chuyên dùng), ô-tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô-tô chở người có thời gian sản xuất từ 15 năm trở lên được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 3 tháng lên 6 tháng.
Bên cạnh đó, Thông tư mới cũng điều chỉnh một số nội dung nhằm giảm thiểu thủ tục, chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ Giao thông vận tải đã quyết liệt chỉ đạo và Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia; nghiên cứu sâu sắc những kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là các quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam và các quốc gia có thương hiệu ô-tô lưu hành phổ biến tại nước ta (thương hiệu ô-tô Nhật Bản và Hàn Quốc hiện chiếm khoảng 70% tổng lượng phương tiện)…
Ngoài ra, Ban soạn thảo cũng căn cứ tốc độ phát triển phương tiện ô-tô cá nhân cũng như tốc độ hoàn thiện, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của đất nước; với tinh thần thúc đẩy ý thức trách nhiệm của người dân đối với chính tài sản và sự an toàn sức khỏe, tính mạng của bản thân.
Nhìn nhận đây là kết quả bước đầu đối với những quy định có thể điều chỉnh được ngay trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình, nhằm củng cố, kiện toàn và đổi mới hoạt động của lĩnh vực đăng kiểm, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo các cơ quan đơn vị tập trung, khẩn trương sửa đổi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ quy định về Kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (theo trình tự, thủ tục rút gọn).
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ tách bạch công tác quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của lĩnh vực đăng kiểm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương và tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa các hành vi tiêu cực.
Bộ cũng sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí của xã hội; bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng và cạnh tranh lành mạnh của các đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải sẽ ưu tiên nghiên cứu một số nội dung như cho phép các trung tâm đăng kiểm của lực lượng Công an, Quân đội và các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô-tô đáp ứng quy định về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng được phép cung cấp dịch vụ kiểm định xe ô-tô; nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ đăng kiểm,…