Chính phủ tìm cách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, các tổ chức tài chính, ngân hàng, hiệp hội bất động sản.
Việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngày 12/3 Văn phòng Chính phủ đã phát công điện gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên Môi trường và các đơn vị liên quan mời tham dự Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị về phát triển nhà ở xã hội - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Tháng 2/2024, Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” năm 2024.
Đề án phấn đấu đến năm 2030 tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ. Như vậy, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu Đề án đến năm 2025.
Bộ Xây dựng cho biết theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390 ha làm nhà ở xã hội, như vậy so với báo cáo năm 2020 (3.359ha) thì diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đến nay đã tăng thêm 5.031ha.
Tuy nhiên một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025 (Hà Nội 03 dự án, 1.700 căn đáp ứng 9%; TP Hồ Chí Minh 7 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%; Đà Nẵng 05 dự án, 2.750 căn đáp ứng 43%;...), hoặc một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay (Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi,...).
Bộ Xây dựng cho rằng cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn do một số yếu tố, gồm: thiếu quỹ đất; nguồn vốn tín dụng từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng còn chưa đồng bộ, thời gian thực hiện kéo dài.
Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội. Thậm chí, có địa phương chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp. Cụ thể, ngoài quỹ đất 20% nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, trong năm 2024, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đã yêu cầu đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; năm 2024 nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ.
"Đây cũng là yêu cầu và mục tiêu rất cao, đòi hỏi các Bộ ngành và địa phương bám sát và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ đề án đã đề ra, đặc biệt là rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính… cho các dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cần rà soát lại việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy việc tiếp cận, giải ngân gói tín dụng này", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.