Chẳng lẽ cứ để sách giáo khoa cao, cao mãi...?
Ổn định thị trường sách giáo khoa trước thềm năm học mới Đề xuất đưa sách giáo khoa vào nhóm hàng thiết yếu Sách giáo khoa không phải “mỏ vàng” để thu lợi mãi được |
Trong những năm qua, vấn đề giá bán sách giáo khoa liên tục gây nhiều tranh cãi từ phía cộng đồng phụ huynh, giáo viên học sinh, nhà xuất bản... trở thành một bài toán nhức nhối dành cho các cơ quan có thẩm quyền.
Nhiều người tự hỏi cuộc tranh luận này bao giờ mới tới hồi kết và đâu là giải pháp hợp lý cho vấn đề đã tốn quá nhiều giấy mực của báo giới và thời gian, công sức của xã hội?
Để giải quyết vấn đề này, trước hết chúng ta cần đi từ gốc rễ. Một điều không thể phủ nhận đó chính là chi phí sản xuất, in ấn và phân phối sách giáo khoa đòi hỏi một khoản tiền không hề nhỏ.
Đáng nói hơn, quá trình đưa con chữ lên mặt giấy và tới tay các em học sinh là cả một chặng đường dài, thông qua nhiều khâu phức tạp như biên tập, thiết kế, chế bản, xuất bản, in, phát hành… Vì thế, việc xuất hiện lỗ hổng, tạo cơ hội cho những hành vi không minh bạch là điều rất dễ xảy ra.
Trên thực tế, đã từng xuất hiện những tranh cãi xoay quanh việc các nhà xuất bản chưa lựa chọn nhà thầu của các khâu một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất, đặc biệt là khâu in ấn và phát hành. Theo đó, có những hợp đồng về việc mua bán giấy in với giá cao hơn hẳn so với thị trường nhưng chất lượng không được đảm bảo.
Bên cạnh đó, một tình trạng nữa có thể xảy ra là việc định lượng số đơn “đặt hàng” của các địa phương diễn ra chậm trễ làm dư ra lượng hàng tồn kho nhất định. Việc phân bổ không hợp lý với thực tế doanh thu cho chi phí lãi vay và dự phòng giảm giá hàng tồn kho cũng có thể khiến giá thành sách giáo khoa bị đẩy lên gấp nhiều lần khi tới tay người tiêu dùng.
Một nguyên nhân lớn đẩy sự tranh cãi xoay quanh vấn đề này trở nên ngày càng căng thẳng hơn là do tính chất gần như độc quyền của một số ít nhà xuất bản trong việc phát hành sách giáo khoa. Điều này nghiễm nhiên dẫn đến sự thiếu cạnh tranh trong việc kinh doanh, tạo cơ hội cho việc “khống giá” lên cao mà không gặp trở ngại từ các nguồn cung khác
Sách giáo khoa được bày bán tại các cửa hàng sách, sẵn sàng cho năm học mới |
Bên cạnh tình trạng luồn lách, “khống giá” thông qua các khâu sản xuất thì việc tỉ lệ chiết khấu cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến sách giáo khoa trở nên đắt đỏ hơn so với mức hợp lý. Hiện tại, định mức được áp dụng là 29% đến 29,5% đối với sách giáo khoa, 35% đối với sách bài tập. Đây rõ ràng là những con số chưa phù hợp đối với một mặt hàng thiết yếu có số lượng phát hành lớn và ổn định.
Trên thực tế, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá. Tuy nhiên, theo Luật Giá mới có hiệu lực từ 1/7/2024 thì giá sách giáo khoa sẽ được Nhà nước quy định giá tối đa. Đây có thể là một tín hiệu tích cực trong công tác giải quyết vấn đề giá sách giáo khoa bất cập từ phía Nhà nước.
Để giải quyết tranh cãi xoay quanh giá bán sách giáo khoa, các cơ quan có thẩm quyền cần phải thực hiện các chính sách và quy định phù hợp.
Trước hết, Chính phủ cần có kế hoạch thực hiện kiểm tra và kiểm soát sát sao, đột xuất về giá bán sách giáo khoa trên thị trường, nhất là vào thời gian cao điểm trước khi bắt đầu mỗi năm học, để đảm bảo triệt tiêu triệt để tình trạng “khống giá” do nhiều nguyên nhân không hợp lý của các nhà xuất bản.
Bên cạnh đó, chính sách về việc hỗ trợ tài chính trong các khâu sản xuất, phát hành,… cũng cần được xem xét, giúp giảm kinh phí ngay từ quá trình xuất bản để sách được đến tay học sinh với một mức giá ưu đãi nhất.
Đồng thời, dựa theo quy luật cung cầu của thị trường về tất cả các mặt hàng, trong đó không loại trừ sách giáo khoa, việc cạnh tranh mua bán nên cần được điều chỉnh và khuyến khích hơn nữa để giảm thiểu khả năng độc quyền của các nhà xuất bản.
Việc cấp thiết cần làm chính là lựa chọn, tìm ra những nhà xuất bản uy tín, đáp ứng đủ nhân lực và năng lực sản xuất sách giáo khoa để tăng tỷ lệ cạnh tranh, tích cực giảm giá thành sản phẩm sách giáo khoa xuống mức ưu đãi nhất với chất lượng tốt nhất.
Sách giáo khoa tại các cửa hàng thuộc hệ thống phát hành của NXBGDVN và các Công ty Sách – Thiết bị trường học địa phương. Ảnh: TL/Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam |
Về phía các nhà xuất bản và đơn vị thầu của các khâu sản xuất, để hướng tới mục tiêu chung giảm chi phí chứ không giảm chất lượng thì việc áp dụng công nghệ số hoá là một điều cần được cân nhắc nghiên cứu và áp dụng càng nhanh càng tốt.
Tuy vậy, tất cả những giải pháp sẽ chỉ là lý thuyết nếu không được áp dụng một cách triệt để và có hiệu quả. Trên thực tế hiện nay, mặc dù đã có một số nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề giá bán sách giáo khoa tại Việt Nam, nhưng những tranh cãi và phản ánh thì chưa bao giờ dứt.
Câu trả lời cho câu hỏi “bao giờ cuộc tranh cãi về giá bán sách giáo khoa kết thúc?” chỉ có khi các giải pháp được các bên liên quan thực hiện một cách bền vững, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng giáo dục và người tiêu dùng!