Sách giáo khoa không phải “mỏ vàng” để thu lợi mãi được
Chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa năm học 2022-2023 là 28,5%, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15% (báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều qua 14/8).
Con số này năm học 2020 – 2021, 2021 – 2022 là 29% với sách giáo khoa, 33% với sách bài tập và 15% sách giáo viên.
Tức, một quyển sách bài tập giá 100 đồng, thì 35 đồng dành cho chiết khấu và nếu loại bỏ yếu tố này, học sinh có thể mua sách với giá 65 nghìn đồng, nhà xuất bản vẫn có lãi.
Nhìn vào đây, không chỉ thấy mức chiết khấu cao tới khó tin, mà còn thấy một sự phân biệt không hề nhẹ giữa giáo viên và học sinh.
Gọi là phân biệt, bởi chiết khấu sách của học sinh cao hơn sách giáo viên từ 14-18%. Đúng nghĩa, giáo viên được ưu ái mua sách rẻ hơn học sinh 14-18%.
Sách giáo khoa không phải “mỏ vàng” để các bên thu lợi. Ảnh minh hoạ. |
Trước đó, từ năm 2014-2019 là 210 tỷ đồng chênh lệch từ việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mua giấy giá cao gấp 1,7 lần giá Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng nhập khẩu (Kết luận của Thanh tra Chính phủ).
Lợi ích vật chất từ việc “thổi” giá giấy sau đó được Phùng Vĩnh Hưng chuyển cho cựu Chủ tịch HĐTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Đức Thái và một số lãnh đạo nhà xuất bản, khiến ông này phải “vào lò”.
Tất cả những con số trên cùng nhiều yếu tố khác đã góp phần "đưa thành công giá sách" theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tăng từ 2-4 lần so với giá sách theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006.
“Điều này không chỉ gây khó khăn cho một bộ phận người dân” như đánh giá của Đoàn giám sát; mà những bộ sách kiểu bài tập như trên, tính từ năm 2014 đến hết tháng 8/2019, còn gây lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội tạm tính lên tới hơn 2.374 tỷ đồng.
Có người nói sách giáo khoa như một “mỏ vàng”! Đúng. Bởi đến hẹn lại lên, đến hẹn lại thay sách, lại đổi mới, hàng triệu cuốn, không biết bao nhiêu tiền của.
Hôm qua, Đoán giám sát kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra, điều tra toàn diện việc xác định, sử dụng chiết khấu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra vào cuộc.
Tất cả sẽ sớm được làm rõ. Giá sách giáo khoa sẽ trở về đúng giá trị thực của nó.
Và, những kẻ coi sách giáo khoa là "mỏ vàng" (nếu có) để kiếm chác trên lưng phụ huynh, học sinh sẽ không thể thoát khỏi lưỡi gươm công lý.
“Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”!