Chăn nuôi heo: “Lội ngược dòng” ngoạn mục
Ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) |
Năm 2018 khép lại, ngành chăn nuôi được đánh giá là “được mùa được giá”. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về nhận định này?
Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của ngành luôn thuộc nhóm cao trong khu vực nông nghiệp, bình quân duy trì ở mức 5-6%/năm, góp phần giữ vững mức tăng trưởng chung cho ngành nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong nước và bước đầu có xuất khẩu (XK). Ước tính, trong năm 2018 sản lượng thịt heo hơi đạt trên 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm trước.
Nhìn lại năm 2017, khi chăn nuôi heo vô cùng khó khăn, giá heo hơi xuống 20 đến 25 nghìn/kg. “Cơn bão giá” càn quét qua tất cả các tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Hàng trăm ngàn hộ chăn nuôi thua lỗ nặng, nợ nần chồng chất…
Nhưng chỉ sau một năm, cùng với chiến dịch “giải cứu”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu phải tái cơ cấu ngành hàng này bằng biện pháp giảm ngay đàn heo nái, nhằm điều tiết cung-cầu, kêu gọi các doanh nghiệp (DN) trong ngành hỗ trợ đầu vào cho người chăn nuôi... Sau đúng một năm, đầu tháng 4/2018, ngành hàng thịt heo có cú lật ngược tình thế đầy ngoạn mục khi giá thịt heo hơi xuất chuồng bật tăng mạnh, từ lỗ sang hòa vốn. Các tháng tiếp theo đó, giá thịt heo tiếp tục tăng cao ngất ngưởng, có những thời điểm tiệm cận đến 58-60 nghìn/kg, người chăn nuôi thu lãi đậm. Trước đà tăng giá mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại, Bộ NN&PTNT đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tìm cách kìm hãm đà tăng của giá thịt heo xuống dưới mốc 45.000 - 50.000 đồng/kg. Đây là giá rất tốt để người chăn nuôi có lãi, để người tiêu dùng chấp nhận được.
Đánh giá cả năm 2018 cho thấy, ngành chăn nuôi năm nay được mùa, được giá, người chăn nuôi và DN đều hồ hởi tái đầu tư chiều sâu trong thời gian tới.
Khi các nước gặp vấn đề thừa cung, họ mất một thời gian khá dài để vực lại ngành chăn nuôi heo. Ví dụ như Thái Lan, phải mất tới 5 năm, Trung Quốc mất 3 năm, trong khi đó ở Việt Nam chúng ta chỉ mất đúng một năm. Đây là thành tựu rất lớn, đáng ghi nhận của ngành.
Việt Nam sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch cho thịt heo |
Vậy còn thị trường XK cho sản phẩm chăn nuôi nói chung và thịt heo nói riêng thì như thế nào, thưa ông?
Hiện hai khâu yếu của ngành chăn nuôi đó là giết mổ chế biến và kết nối thị trường. Năm 2018 đã chứng kiến rất nhiều thành công khi có một loạt DN lớn đầu tư vào khâu giết mổ, chế biến.
Điển hình như nhà máy Hà Nam của Tập đoàn Masan công suất 140.000 tấn thịt heo/năm với công nghệ hiện đại cho thương hiệu Meat Deli đã khánh thành và đi vào hoạt động ngày 23/12. Trước đó, nhà máy giết mổ, chế biến thịt heo tại huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) do Công ty Biển Đông và Deheus liên kết đã khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 11/2018 với công suất 350.000 heo thịt/năm… Các DN này đều đầu tư một cách rất đồng bộ từ khâu chăn nuôi đến khâu chế biến, kết nối thị trường trong và ngoài nước, đồng thời tổ chức các chuỗi liên kết nhằm đẩy mạnh XK.
Năm 2018, ngành chăn nuôi còn ghi nhận thành tích khi XK chính ngạch thành công thịt heo đông lạnh sang Myanmar. Như vậy, nếu cách đây 20 năm, Việt Nam đã XK thịt heo mảnh sang Nga theo hình thức “trả nợ”, thì từ đó chúng ta cũng chỉ XK được thịt heo sữa và thịt heo choai sang một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Sau 2 thập kỷ, ngành hàng có giá trị lên tới hơn 10 tỷ USD lần đầu tiên đã XK được thịt heo đông lạnh chính ngạch với khối lượng tối thiểu 1 container 40 feed (khoảng 26 tấn thịt heo tươi đông lạnh) sang Myanmar. Không chỉ vậy, giá thịt heo XK của Việt Nam còn cao hơn 15% so với giá thịt heo thế giới.
Đây được xem là điều chưa từng có, chứng minh sự trưởng thành trong quản lý của ngành, của người chăn nuôi và các DN.
Từ những thành tựu trên, ngành chăn nuôi đặt ra mục tiêu gì cho năm 2019, và các giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu đó ra sao, thưa ông?
Năm 2019, ngành sẽ tiếp tục tập trung phát triển đàn heo. Theo dõi sát về giá cả và thông tin trên các phương tiện thông tin truyền thông để các cơ quan quản lý, người chăn nuôi, người tiêu dùng nắm bắt đầy đủ, kịp thời. Theo đó, duy trì giá heo hơi ở mức 40-45 ngàn đồng/kg, giá thành xuống dưới 35.000 đồng/kg. Hợp tác xã, DN dẫn dắt.
Đặc biệt, trong năm 2019 ngành chăn nuôi cần phải đẩy mạnh XK sản phẩm ra các nước xung quanh và trên thế giới. Để XK làm được điều này, chúng ta phải nâng cao năng suất vật nuôi, giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, ngành chăn nuôi cần chú ý tốt khâu giống để có bộ giống tốt như giống cao sản, giống cho phân khúc chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi đặc sản, vì nó có nhiều nguồn gen quý, cũng như đưa ra bộ giống cho từng phân khúc thị trường.
Hiện nay, nhà nước cơ bản giảm hết thuế nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, làm sao tạo điều kiện cho DN, cơ quan quản lý cố gắng tiết kiệm các chi phí sản xuất để giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phải thấp nhất trong khu vực. Đồng thời, xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch, cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp và xúc tiến XK chăn nuôi.
Bên cạnh đó, ngành sẽ đẩy mạnh hoạt động sản xuất theo chuỗi liên kết, lấy DN, hợp tác xã làm trọng tâm dẫn dắt để tránh tình trạng các sản phẩm chăn nuôi của nông dân làm ra mà không biết bán cho ai.
Xin cảm ơn ông!
Có quy mô đàn heo đứng thứ 6 thế giới, đây là ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam tiến tới XK chính ngạch sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các thị trường tiềm năng khác. Đây là lối ra duy nhất để khai thông, giúp ngành chăn nuôi heo phát triển ổn định và bền vững. |