Căng thẳng Trung Đông hạ nhiệt kéo kim loại quý lao dốc
Kim loại quý gặp áp lực bán mạnh sau dữ liệu lạm phát Mỹ Giá kim loại quay đầu suy yếu sau dữ liệu lạm phát sản xuất Mỹ Giá kim loại suy yếu sau các chuỗi tăng nóng |
Đối với kim loại quý, sau khi trải qua đợt “tăng nóng”, giá bạc và giá bạch kim đều lao dốc mạnh trong phiên đầu tuần khi căng thẳng hạ nhiệt tại Trung Đông. Chốt ngày, giá bạc để mất 5,54% về 27,24 USD/ounce, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của giá bạc kể từ tháng 6/2021. Giá bạch kim cũng giảm 1,32% xuống 931,3 USD/ounce mức thấp nhất 3 tuần.
Sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái được cho là của Israel vào thứ Sáu tuần trước, Iran cho biết họ vẫn đang điều tra và không có kế hoạch trả đũa. Điều này giúp xoa dịu lo ngại xung đột tiếp tục leo thang tại Trung Đông. Vai trò trú ẩn bị thất thế đã khiến kim loại quý mất đi động lực tăng giá quan trọng.
Thêm vào đó, lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trì hoãn việc hạ lãi suất kết hợp với đồng USD tăng giá càng khiến kim loại quý chịu sức ép. Xác suất FED hạ lãi suất vào tháng 6 tiếp tục giảm xuống còn 15%, từ khoảng 20% trong tuần trước, theo công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch. Trong khi đó, chỉ số Dollar Index, thước đo đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh, vững vàng neo ở vùng 106 điểm, cao nhất 5 tháng.
Bảng giá kim loại |
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX quay đầu giảm nhẹ 0,48% sau ba phiên tăng liên tiếp. Một mặt, giá đồng vẫn đang được hỗ trợ nhờ rủi ro nguồn cung siết chặt và triển vọng tiêu thụ khởi sắc hơn khi hoạt động sản xuất dần cải thiện trên toàn cầu. Citigroup dự báo đà tăng hiện tại của giá đồng có thể duy trì trong ba tháng tới và giá đồng trung bình có thể đạt 10.000 USD trong quý II và quý III.
Mặt khác, đồng bạc xanh tăng giá làm tăng chi phí đầu tư cũng khiến giá đồng phải chịu sức ép. Hơn nữa, việc Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay (LPR) khiến nhà đầu tư thất vọng cũng làm suy yếu lực mua đồng trong phiên.
Trong một diễn biến khác, giá quặng sắt giảm 0,32% xuống 116,08 USD/tấn, đứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp. Các nhà phân tích tại Guotai Junan Securities dự đoán sản lượng thép thô của Trung Quốc vào năm 2024 sẽ giảm so với năm 2023 và mức tiêu thụ thép sẽ giảm hơn nữa, gây áp lực lên nhu cầu nguyên liệu thô đầu vào là quặng sắt.