Kim loại quý gặp áp lực bán mạnh sau dữ liệu lạm phát Mỹ
Đồng USD suy yếu kéo sắc xanh quay lại bảng giá kim loại Bảng giá kim loại xanh rực nhờ cả yếu tố vĩ mô và cung – cầu Nhóm kim loại có thể suy yếu khi thị trường thận trọng chờ CPI |
Kết thúc ngày giao dịch 12/3, bảng giá kim loại có sự phân hoá khi nhóm kim loại quý gặp áp lực rõ rệt sau báo cáo lạm phát tháng 2 của Mỹ cho thấy con số cao hơn kỳ vọng thị trường. Trong khi đó, nhóm kim loại cơ bản ghi nhận các mức tăng giảm khá trái chiều.
Giá bạc và bạch kim đều giảm khoảng 1,3% trong phiên hôm qua, xuống các mức lần lượt là 24,39 USD/ounce và 928,2 USD/ounce.
Thông tin đáng chú ý nhất dồn về dữ liệu lạm phát Mỹ trong tháng 2 tăng vượt dự báo của thị trường. Theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Mỹ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo của các chuyên gia kinh tế và tăng tốc từ mức 3,1% của tháng 1. Trên cơ sở hàng tháng, chỉ số CPI tháng 2 của Mỹ tăng 0,4%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với tháng 1.
Chỉ số CPI lõi, loại bỏ biến động giá của các mặt hàng năng lượng và thực phẩm, cũng đã tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 2, cao hơn so với mức 3,7% mà giới chuyên gia dự báo.
Đà hạ nhiệt lạm phát của Mỹ đang có dấu hiệu chững lại, lạm phát tiếp tục gia tăng, trong bối cảnh chi phí nhà ở, dịch vụ vận tải và giá xăng tăng cao, đã làm giảm kỳ vọng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm hạ lãi suất vào nửa đầu năm. Lãi suất duy trì ở mức cao sẽ khiến kim loại quý như bạc và bạch kim kém hấp dẫn hơn tương đối, từ đó thúc đẩy lực bán trên thị trường.
Công cụ theo dõi lãi suất FED Watch của CME Group cho thấy kỳ vọng FED giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 6 đã giảm nhẹ 2,5 điểm phần trăm xuống 57% ngay sau dữ liệu. Đồng USD kết phiên cũng tăng cao hơn phiên trước, gây áp lực tới nhóm kim loại quý do chi phí nắm giữ đắt đỏ hơn.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, diễn biến có phần trái chiều và hầu như vẫn tuân theo các yếu tố cung cầu trên thị trường. Đồng COMEX mặc dù ghi nhận đà giảm giá ngay sau dữ liệu lạm phát, nhưng đã lấy lại đà phục hồi về cuối phiên và chốt phiên tăng nhẹ 0,09%, lên mức 3,93 USD/pound. Nguồn cung toàn cầu đang có xu hướng thu hẹp khi sản lượng của một số nhà sản xuất hàng đầu suy giảm, đã hạn chế lực bán đáng kể. Dự trữ đồng trên hệ thống LME đã giảm hơn 30% kể từ cuối năm ngoái, trong khi thị trường kỳ vọng nhu cầu theo mùa sẽ sớm mạnh hơn trong quý II.
Quặng sắt cũng tăng hơn 2% sau khi giảm sâu tới gần 7% trong phiên trước đó, khi các nhà đầu tư cân nhắc triển vọng nhu cầu của Trung Quốc trong bối cảnh thiếu các gói kích thích mới. Tuy nhiên, xu hướng chính đang là giảm giá bởi lĩnh vực bất động sản tiêu thụ sắt thép của Trung Quốc hiện vẫn chưa cho thấy sự phục hồi đáng kể nào.