Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Làm gì để bước qua “mặc cảm”?
Quyết liệt đấu tranh phòng, chống hàng giả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Tọa đàm Góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng |
Tại Đại hội Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, đại biểu của một tỉnh biên giới (xin được không nêu tên) ngậm ngùi kể một câu chuyện tại địa phương ông. Theo đó, mặc dù tỉnh này là một đầu cầu giao thương, hoạt động mua bán hàng hoá diễn ra sôi động nhưng vị thế của người làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ lâu vẫn bị xem nhẹ.
“Đã vậy tỉnh lại vừa có một văn bản để lọc ra những “anh” nào thuộc diện hội đặc thù và mang tính chất đặc thù. Để làm gì? Để phân bổ kinh phí. Dường như hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh không có trong số này. Trong khi tại địa phương có nhiều vụ xâm hại quyền lợi người tiêu dùng với số tiền lớn”, vị đại diện của Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh nói.
Câu chuyện “mặc cảm” trên về một thực tế lâu nay đã “phả” vào trong báo cáo của Hội. Theo đó, mặc dù pháp luật đã quy định rõ ràng nhưng đến nay, nhiều hội vẫn chưa được giao việc thực hiện nhiệm vụ từ các cơ quan có thẩm quyền để các cấp Hội phát huy nhiều hơn vai trò bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ảnh minh hoạ. |
Báo cáo của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho thấy, tính trong giai đoạn 2019 đến nay đã có đến 300.000 cuộc gọi phản ánh qua điện thoại, đường dây nóng của các cấp Hội Bảo vệ người tiêu dùng với các nội dung cần được tư vấn, hướng dẫn, giải quyết các khiếu nại. Điều đó cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vào uy tín của các cấp Hội song số vụ việc được giải quyết thành công mới dừng lại con số 2.000. Đây cũng là những nỗ lực đáng ghi nhận song với tỷ lệ chưa đến 1% đã cho thấy con đường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh đa kênh giao dịch như hiện nay còn rất nan giải.
Ở một khía cạnh khác, có thể nói chưa khi nào các văn bản chỉ đạo, văn bản pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng lại hoàn chỉnh và đầy đủ như hiện nay, đặc biệt là Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Các văn bản này đều nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò của các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như đặt ra các yêu cầu với các địa phương để phát huy, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đây là những chiếc “gậy” pháp lý hoàn toàn đủ mạnh để tạo động lực mới cho câu chuyện bảo vệ người tiêu dùng không chỉ ở giác độ xã hội đơn thuần mà còn là giác độ kinh tế quan trọng, không thể thiếu và không thể yếu nếu muốn có một nền kinh tế lành mạnh.
Và những cây “gậy” pháp lý này cũng đủ sức mạnh để nhắc nhở trách nhiệm cùng việc thay đổi cách nhìn nhận của người lãnh đạo địa phương thay đổi tư duy trong câu chuyện bảo vệ người tiêu dùng.