Xin kính chào quý vị và các bạn đang theo dõi “Bản tin tối” của Công Thương 24h số ra ngày 22/7/2024. Bản tin tối hôm nay gồm có những nội dung chính sau đây:
- Quốc Cường Gia Lai đang ráo riết tìm người thay bà Nguyễn Thị Như Loan
- Nguyên nhân nào khiến 7 tấn cá chết nổi trắng hồ ở Đà Nẵng?
- Cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm hầu tòa
- Cổ thụ hơn 100 tuổi bật gốc, đè lên quán cà phê
- Cục Cảnh sát giao thông tăng cường tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên cao tốc
Sau đây là tin chi tiết:
Quốc Cường Gia Lai đang ráo riết tìm người thay bà Nguyễn Thị Như Loan
Theo công bố thông tin bất thường gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chi Minh (HoSE), Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) cho biết bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc, bị khởi tố và bắt tạm giam để phục vụ điều tra hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
CEO bị bắt, Quốc Cường Gia Lai tìm gấp người điều hành. |
Hiện vụ việc đang trong thời gian điều tra. Bà Nguyễn Thị Như Loan đã và đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ các vấn đề liên quan.
Cũng theo thông báo của Quốc Cường Gia Lai, sự việc trên chỉ liên quan đến dự án 39 – 39B Bến Vân Đồn, Quận 4, TP.Hồ Chí Minh mà công ty đã nhận chuyển nhượng từ 2 công ty tư nhân. Việc chuyển nhượng đã hoàn tất cho đối tác từ năm 2014. Vụ việc trên không làm thay đổi, ảnh hưởng đến kế hoạch, chiến lược, hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của Quốc Cường Gia Lai.
Hiện tại công ty vẫn hoạt động bình thường, các hoạt động kinh doanh và giao dịch với đối tác vẫn đang được thực hiện. Hội đồng quản trị công ty sẽ sớm tìm người thay thế bà Như Loan phụ trách điều hành trong thời gian sớm nhất, để thực hiện tất cả các hoạt động liên quan đến Quốc Cường Gia lai, đảm bảo hoạt động bình thường.
Trước đó, ngày 18/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với bà Nguyễn Thị Như Loan, về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Đây là động thái mới trong quá trình điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.
Cơ quan điều tra đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai và các đơn vị, cá nhân liên quan, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Như Loan sinh năm 1960, tại Bình Định, là người sáng lập Quốc Cường Gia Lai từ năm 1994 tiền thân là Xí nghiệp Tư doanh Quốc Cường. Năm 2007, công ty cổ phần hóa với vốn điều lệ là 259 tỷ đồng, bà Loan kiêm nhiệm Chủ tịch, Tổng giám đốc đến năm 2020. Người thay thế bà Loan ngồi ghế Chủ tịch là ông Lại Thế Hà. Bà Loan giữ chức Tổng giám đốc.
Trên website của doanh nghiệp, hiện thông tin về ban lãnh đạo không thể hiện mà chỉ có dòng chữ đang cập nhật.
Quốc Cường Gia Lai hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, phát triển, kinh doanh bất động sản, thủy điện và trồng cây cao su, với nhiều dự án bất động sản có tiếng tại TP.HCM.
Nguyên nhân nào khiến 7 tấn cá chết nổi trắng hồ ở Đà Nẵng?
Sáng 22/7, hơn 40 công nhân thuộc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng được điều động đến khu vực hồ điều tiết Liên Chiểu (còn gọi hồ Hòa Phú 3C) và kênh Đa Cô (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) để xử lý xác cá chết, nổi trắng mặt nước.
Cá chết chủ yếu là cá rô phi, có trọng lượng từ 0,3 đến 0,5kg. Tại khu vực kênh Đa Cô, mùi hôi thối do xác cá bốc lên nồng nặc.
Trả lời báo chí, đại diện Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết công ty bố trí công nhân vớt số lượng cá chết nổi trắng hồ điều tiết Liên Chiểu (hồ Hòa Phú 3C) và kênh Đa Cô thuộc địa bàn quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.
“Từ sáng nay chúng tôi đã cho công nhân thu gom số cá chết. Số lượng ước tính 7 tấn và phải đến khoảng 13h hôm nay mới có thể thu gom hết. Nguyên nhân cá chết hàng loạt thì chưa thể xác định nên chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng xác định”, vị lãnh đạo này cho biết.
Khu vực hồ điều tiết này cá rất nhiều và cũng từng xảy ra tình trạng cá chết khi có mưa xuống. Theo người dân, chiều và đêm qua tại khu vực này có mưa khá lớn, đến sáng 22/7 thì người dân phát hiện cá chết trắng hồ điều tiết và kênh Đa Cô.
Cá chết, bốc mùi hôi thối nên nhiều nhà dân trên tuyến đường Thanh Nghị, Chơn Tâm 1, Chơn Tâm 9, Nguyễn Chơn... phải đóng cửa nhà để ngăn mùi.
Cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết hầu tòa
Ngày 22/7, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) cùng 49 đồng phạm. Trong vụ án này, cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị đưa ra xét xử về các tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước khi phiên tòa diễn ra, luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết cho biết người nhà của ông Quyết đã nộp thêm 23 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Đến nay, thân chủ của vị luật sư đã nộp hơn 210 tỉ đồng để khắc phục hậu quả, đồng thời vận động người thân “tiếp tục nộp tối đa tiền khắc phục hậu quả vụ án trước và khi tòa đang xét xử”.
Cách đây nửa tháng, theo luật sư bào chữa, cựu Chủ tịch FLC đã nhận thức về các hành vi sai phạm, xin chịu trách nhiệm hình sự và dân sự như cáo buộc. Ngoài ra, ông Trịnh Văn Quyết cũng mong cơ quan chức năng áp dụng chính sách khoan hồng cho các bị cáo là người thân, đồng nghiệp cấp dưới liên quan đến vụ án.
Ông Quyết cũng xin chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng các tài sản thuộc tài sản cá nhân, đồng thời vận động gia đình, bạn bè để nộp tiền khắc phục hậu quả trong thời gian sớm nhất.
Để chuẩn bị cho phiên tòa này, TAND TP.Hà Nội bố trí một phòng xét xử chính (với sức chứa khoảng 500 người). Ngoài ra, do số lượng bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan rất đông nên phía tòa án cũng bố trí thêm hội trường và khu vực sân cơ quan để các bị hại, người liên quan tham gia phiên tòa theo hình thức trực tuyến.
Vụ án này có 50 bị cáo, khoảng 100 luật sư, 30.403 bị hại và 63.092 người liên quan.
Cổ thụ hơn 100 tuổi bật gốc, đè lên quán cà phê
Ngày 21 tháng 7, trên địa bàn Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai xảy ra mưa lớn khiến một cây thông hơn 100 tuổi bật gốc, đổ vào quán cà phê khiến nhiều tài sản hư hỏng, rất may không có ai bị thương.
Cây thông nằm trên đường Quang Trung, Thành phố Pleiku bị mưa lớn, kèm theo gió mạnh thổi đổ vào quán một quán cà phê bên đường. Tại hiện trường, thân cây thông đè sập tường, cửa cuốn, mái tôn và bảng hiệu quán cà phê.
Phía bên trong quán, cây thông đổ đã làm nhiều tài sản hư hỏng. Rất may, lúc đó quán đóng cửa, không có người.
Sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng chức năng đã cắt gọn nhánh, thân cổ thụ. Phần rễ cây bị mục ruỗng.
Hiện nay, trong lòng Thành phố có gần 20 nghìn cây xanh, chủ yếu thông, sao đen, xà cừ... Trong thời gian qua, Phòng quản lý đô thị đã cho cắt tỉa ngọn, nhánh những cây cổ thụ nguy cơ ngã đổ nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Cục Cảnh sát giao thông tăng cường tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên cao tốc
Để tăng cường công tác bảo đảm trật tự toàn giao thông trên các tuyến đường bộ cao tốc, Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông của Cục phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường 24 trên 24 để xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về: dừng, đỗ, đi không đúng làn đường, chuyển làn không tín hiệu, chạy quá tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn theo quy định… Đã mang lại hiệu quả thiết thực là trong 5 ngày trên 9 tuyến cao tốc không xảy ra tai nạn giao thông.
Trong 5 ngày, từ ngày 16 tháng 7 năm 2024 đến ngày 20 tháng 7 năm 2024 trên các tuyến cao tốc C08 đã bố trí các ca ghi hình phương tiện vi phạm. Kết quả, đã phát hiện 706 trường hợp vi phạm; dừng lập biên bản 426 trường hợp, gửi thông báo đến chủ phương tện 280 trường hợp, tiền phạt ước tính hơn 2 tỷ 496 triệu đồng, Tước giấy phép lái xe hơn 331 trường hợp, tạm giữ 2 phương tiện.
Một số hành vi vi phạm chính: vi phạm về tốc độ 206 trường hợp; Dừng đỗ không đúng quy định: 124 trường hợp; Điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp: 28 trường hợp; đi không đúng phần đường, làn đường: 66 trường hợp, Chuyển làn không đúng quy định 240 trường hợp; Tránh, vượt 13 trường hợp; Đón, trả khách 4 trường hợp; đi vào đường cấm 10 trường hợp; lùi xe 5 trường hợp; không tuân thủ quy định khi vào đường cao tốc 10 trường hợp.
Bên cạnh đó các Đội cao tốc đã tuyên truyền đến 3.250 phương tiện tham gia giao thông trên tuyến, phát 598 tờ rơi, hỗ trợ 46 phương tiện gặp sự cố giao thông, dán phản quang cho 643 phương tiện. Tiếp nhận 08 tin báo của người dân qua Tổng đài 19008099.
Trong thời gian tới để phát huy hiệu quả đã đạt được Cục cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục bố trí cán bộ ghi hình phương tiện vi phạm trên các tuyến cao tốc để xử lý, những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ phương tiện gặp sự cố, dán phản quang các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.