Đại đức Thích Nhuận Đức vừa bị cấm thuyết giảng không thời hạn dưới mọi hình thức vì có lời khiếm nhã trong một lần thuyết giảng năm 2023.
Đáng chú ý, trước đó Đại đức Thích Nhuận Đức thuộc tổ đình Hộ Pháp ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang bị cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức trong một năm vì có những bài giảng gây tranh cãi.
Hình thức kỷ luật mới áp dụng với vị tu sĩ này đưa ra yêu cầu ngoài việc xin lỗi đồng bào còn phải thực hiện biệt chúng sám hối đúng Luật Phật. Thời hiệu thực hiện việc sám hối không thời hạn cho đến khi Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thay đổi biện pháp. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Ban quản trị tổ đình Hộ Pháp được giao trách nhiệm giám sát thi hành kỷ luật.
Đây có thể nói là mức kỷ luật nghiêm khắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với những hành vi làm ảnh hưởng đến Giáo hội. Tại điều 82 của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất nói rõ, thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam vi phạm giới luật, Hiến chương, Quy chế, Nội quy của Giáo hội, tuỳ theo mức độ vi phạm, Giáo hội sẽ xử lý theo Giáo luật.
Mức kỷ luật nghiêm khắc này với Đại đức Thích Nhuận Đức đã cho thấy rõ sự quyết tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc duy trì kỷ cương và trật tự trong tổ chức tôn giáo. Hành động kịp thời đó của Giáo hội cũng còn giúp duy trì kỷ luật nội bộ và ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực không đúng với giáo pháp, giáo luật, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của nhà Phật, đặc biệt trong hoạt động thuyết pháp, giảng pháp cũng như không để các đối tượng xấu, thế lực phản động lợi dụng để gây chia rẽ tôn giáo.
Nói về hoạt động giảng pháp, như lời của đức Thế Tôn nêu ra 3 yêu cầu: “Này các tỳ-kheo, hãy thuyết giảng giáo pháp cao thượng ở phần đầu, cao thượng ở phần giữa và cao thượng ở phần cuối, cả về ý nghĩa lẫn văn cú. Hãy rao giảng sự toàn hảo viên mãn, đời sống thanh tịnh của trạng thái cao cả. Có những kẻ mà trí óc chỉ bị lu mờ vì đôi chút bụi bặm, nếu không được nghe pháp thì họ không thể được giải thoát; những kẻ ấy sẽ hiểu pháp”.
Lại có 5 tiêu chuẩn được nói lên trong thuyết pháp. Thuyết pháp theo thứ lớp, từ thấp đến cao; thuyết y theo các pháp môn của kinh điển; thuyết vì lòng từ bi, muốn lợi ích cho mọi người; thuyết không vì lợi ích của mình, không mong được đền đáp; không chê người, khen mình.
Thời gian qua, việc tiếp cận mạng xã hội, các thông tin không chính thống về giáo lý nhà Phật, nhiều chuyện chưa được khẳng định về đời sống của chư tăng và những hoạt động mê tín dị đoan núp bóng Phật giáo đã làm cho các tín đồ, Phật tử và người dân có không ít suy nghĩ và hiểu biết sai lệch về Phật giáo.
Đáng quan tâm là những bài thuyết pháp không có nguồn gốc, những thông tin không được kiểm chứng trên mạng xã hội đã trở thành mối hiểm họa thực sự đối với người dân. Để thực hiện được việc thuyết pháp, đòi hỏi người hoằng pháp phải am tường thế học, giáo lý, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, kinh qua các trường lớp Phật học để thích ứng được sự phát triển của thời đại.
Với Phật giáo, hoằng pháp là một phương cách truyền đạt giáo pháp đến xã hội, đòi hỏi nhiều về tính năng truyền đạt, kiến thức tổng quát và chuyên môn thông qua thân - khẩu - ý, nói tóm lại là nhân cách theo những điều vừa được nói trên đây. Có thể khẳng định, sự nghiệp hoằng pháp quyết định cho sự tồn vong, phát triển của đạo Phật, tăng ni Phật tử, đặc biệt là những vị giảng sư hoằng pháp là những nhân tố quan trọng trong việc hoằng dương chánh pháp, xiển dương Phật giáo.
Có ý kiến cho rằng, bên cạnh việc làm công tác thuyết pháp thường do các các sư tăng đảm nhận như thường được thấy, cũng cần tạo điều kiện để các sư ni tham gia công việc cao cả này của Phật giáo; từ đó tạo sự phong phú thêm việc thuyết giảng vốn có nhu cầu cao trong không khí Phật học hiện nay.