Bài học từ vụ Bất động sản Nhật Nam: Lãi suất càng cao càng dễ bị sập bẫy
CEO Bất động sản Nhật Nam Vũ Thị Thuý bị bắt: Làm sao lấy lại tiền đã đầu tư? Báo Công Thương từng cảnh báo gì về Bất động sản Nhật Nam? Bất động sản Nhật Nam và những chiêu trò để “lùa gà” |
Bà Vũ Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Nhật Nam, bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư đang rất lo lắng không thu hồi được vốn khi đã đầu tư vào Bất động sản Nhật Nam số tiền lớn. Theo các chuyên gia, đây là lời cảnh báo và bài học cho các các nhà đầu tư, đừng vì tham lãi suất cao mà rơi cào cảnh "tiền mất tật mang".
Luật sư Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Lawfirm, phân tích: Trong thị trường bất động sản hoặc bất kỳ lĩnh vực đầu tư nào, doanh nghiệp huy động vốn đưa ra mức lãi suất lên đến 34 - 46%/năm, thậm chí 70 - 80%/năm là không tưởng, bất thường. Đây thường là tín hiệu cảnh báo đỏ và có thể là dấu hiệu của các vấn đề rủi ro tiềm ẩn.
"Các nhà đầu tư cần hiểu rằng, càng lãi suất cao càng dễ bị sập bẫy, nguy cơ rủi ro càng lớn. Hoạt động gọi vốn trước đó của Công ty Bất động sản Nhật Nam rõ ràng có nhiều dấu hiệu bất thường", ông Tú nói.
Tương tự, chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng trong hoạt động hợp tác đầu tư, nếu mức lợi nhuận được bên huy động đưa ra quá cao so với thị trường thì nhà đầu tư nên cảnh giác. Lãi suất quá cao thường đi kèm với rủi ro lớn.
"Một trong những dấu hiệu rõ ràng của lừa đảo là kêu gọi vốn với lãi suất cao chót vót nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về sử dụng vốn đầu tư", chuyên gia nhấn mạnh.
PGS.TS Ngô Trí Long khuyến nghị, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư. Không nên "xuống tiền" vào bất kỳ dự án nào mà nhà đầu tư không hiểu rõ hoặc không có thông tin đầy đủ. Đồng thời, cân nhắc mức lợi nhuận so với rủi ro. Nếu lợi suất quá cao so với thị trường mà không có giải thích rõ ràng, đây có thể là tín hiệu cho thấy có dấu hiệu bất thường.
Trước câu hỏi nhà đầu tư làm sáo để lấy lại tiền đã đầu tư vào Bất động sản Nhật Nam? Theo ông Trương Anh Tú, thời điểm này nhà đầu tư cần tập hợp các tài liệu (những giấy tờ hợp đồng ký kết với phía Nhật Nam trước đó) để cung cấp cho cơ quan chức năng.
Nhà đầu tư cũng cần trao đổi thẳng thắn, thành thật, không che giấu thông tin mà công khai, minh bạch để từ đó công tác điều tra của cơ quan chức năng được tiến hành thuận lợi hơn. Tránh trường hợp chậm cung cấp thông tin, thậm chí né tránh thì nguy cơ khách hàng rơi vào tình huống “trâu chậm uống nước đục”, cơ hội lấy lại tiền đầu tư đã khó khăn sẽ chồng thêm khó khăn.
Bà Vũ Thị Thuý - Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Nhật Nam |
Trong khi đó, Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho hay, với những dự án bất động sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép phê duyệt thì các chủ đầu tư có thể đòi lại được khoản tiền hoặc tài sản khác đã đầu tư. Những dự án bất động sản chưa được cơ quan nhà nước cấp phép phê duyệt thì sẽ rất khó để lấy lại được tiền, tài sản khác đã đầu tư.
Ông nhấn mạnh thêm, trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra, cơ quan truy tố và xét xử mà truy thu được khoản tiền, tài sản khác mà người vi phạm đã thu lợi bất chính thì các nhà đầu tư có thể được bồi thường lại một phần hoặc toàn bộ khoản tiền, tài sản khác đã đầu tư.
Trước đó, Báo Công Thương đã có loạt bài viết cảnh báo về những bất thường trong hợp tác kinh doanh của Bất động sản Nhật Nam. Nhất là khi doanh nghiệp này phân chia lợi nhuận từ 46 - 80%/năm, nhưng lại không có hoạt động sản xuất, kinh doanh cụ thể.