Một thực tế đang diễn ra, giá vàng "nóng" không chỉ từ các chợ dân sinh, khu phố, trên nhiều diễn đàn mà còn là tâm điểm tại các phiên nghị sự của Quốc hội. Tuy nhiên, trước tình trạng nguồn cung khan hiếm, khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ nhập lập thao túng giá vàng. Từ buôn lậu sẽ có thất thoát về ngoại tệ, dẫn tiếp tới chuyện quản lý tỷ giá.
Có cho thấy, từ nhiều năm nay buôn lậu vàng nhất là tại các tỉnh biên giới Tây Nam và khu vực miền Trung tiếp giáp với Lào liên tục thành điểm nóng, nhiều vụ bị phát hiện với số lượng rất lớn. Đơn cử tháng 6/2023, lực lượng chức năng đã điều tra, bóc gỡ một đường dây buôn lậu vàng "khủng" qua biên giới. Chỉ trong vòng 1 năm, các đối tượng đã buôn lậu trên 3 tấn vàng, có tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), bán cho các cửa hàng vàng tại Việt Nam để kiếm lời. Tương tự, cũng trong năm 2023, lực lượng chức năng cũng triệt phá đường dây buôn lậu 6.150kg vàng 9999, tổng giá trị hơn 8.400 tỉ đồng từ Campuchia về Việt Nam bán cho các tiệm vàng. Trong số các bị can có nhiều người là chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Không chỉ buôn lậu, vấn đề thao túng thị trường vàng còn được nhiều chuyên gia "điểm mặt" xuất phát từ chính nhu cầu của các cửa hàng kinh doanh vàng. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, trước khi nói về cung vàng trong nước, cần giảm cầu vàng đầu cơ tích trữ từ chính hệ thống công ty kinh doanh vàng mới giúp giảm áp lực về vàng.
Trước sức nóng của thị trường vàng, để lành mạnh hoá thị trường, thực hiện trong công tác bình ổn thị trường vàng, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, ngày 17/5, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng. Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến 15/5/2024. Thời gian thanh tra 45 ngày.
Đánh giá về công tác thanh kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh vàng lần này, ông Nguyễn Quang Huy - cố vấn cao cấp Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự cho hay, trong bối cảnh giá vàng đang có những biến động liên tục, phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng việc phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện đối với thị trường vàng là giải pháp trước mắt cấp thiết và đặc biệt quan trọng. Kế hoạch thanh tra lần này kỳ vọng sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác quản lý kinh doanh vàng.
Để tháo gỡ những "điểm nghẽn", quản lý tốt thị trường vàng, theo các chuyên gia, việc gỡ "nút thắt" từ chính sách có vai trò quyết định. Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh, cần hoàn thiện chính sách pháp luật, kịp thời sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp. Cụ thể Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng hiện đã "lỗi thời". Đây là thời điểm phù hợp để sửa đổi bổ sung nghị định này của Chính phủ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong góp ý, Ngân hàng Nhà nước nên tăng nguồn cung bằng cách nhập khẩu một lượng vàng đủ để sản xuất thêm vàng SJC hoặc cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng để kéo giá vàng trong nước xuống gần ngang bằng với thế giới. Bên cạnh đó, cần cần dỡ bỏ độc quyền vàng miếng SJC để doanh nghiệp kinh doanh bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Đồng thời, có thể cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Và đặc biệt, cần xem giải pháp đấu thầu vàng chỉ là biện pháp tạm thời, không phải giải pháp căn cơ, dài hạn.