Bắc Kạn: Lễ hội Lồng Tồng được tổ chức trở lại từ ngày 30/1
Bắc Kạn: Trợ sức cho phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Bắc Kạn: Tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi |
Lễ hội Lồng Tồng sẽ có hai phần. Phần lễ sẽ có hoạt động cầu an trên đền An Mạ giữa hồ Ba Bể, lễ rước cỗ cầu mùa. Riêng phần hội sẽ gồm các chương trình nghệ thuật, quảng bá du lịch địa phương và giao lưu thể thao.
Theo đó, Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể năm 2023 sẽ có các hoạt động dựng trại và trưng bày giới thiệu các sản phẩm nông, lâm sản, thực phẩm, văn hóa ẩm thực của các xã, thị trấn; thi vẽ tranh thiếu nhi với chủ đề bảo vệ môi trường; liên hoan văn nghệ quần chúng các xã, thị trấn; hát đối đáp, giao duyên các dân tộc; trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc các dân tộc trên địa bàn huyện Ba Bể; trưng bày ảnh đất và người Ba Bể.
Tham dự Lễ hội, du khách còn được tham gia nhiều hoạt động thể thao hấp dẫn như tung còn, bóng chuyền, đua thuyền kayak trên hồ Ba Bể, kéo co, đẩy gậy, bịt mắt bắt dê... Các trò chơi dân gian cũng được tổ chức dịp này như tung vòng cổ chai, tung vòng cổ vịt, bịt mắt đánh trống, nhảy bao bố, đi cà kheo, bịt mắt thổi còi, chọi gà, múa sạp, giã bánh dầy…
Điểm mới của Lễ hội Lồng Tồng năm nay là lần đầu tiên có hoạt động trải nghiệm dù lượn bay trên hồ Ba Bể. Đây là hoạt động có tính trải nghiệm cao, được kỳ vọng có thể thu hút được du khách trong nước và quốc tế đến với lễ hội.
Hàng năm, vào mùng 10 và 11 tháng Giêng âm lịch, tại cánh đồng Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn lại thu hút hàng vạn người dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn và du khách thập phương tưng bừng trong không khí ngày hội Lồng Tồng – Lễ hội truyền thống cầu may, mưa thuận gió hòa, làm ăn tấn tới của đồng bào các dân tộc trong huyện.
Lồng Tồng (còn là lồng tổng theo tiếng Tày, Nùng, hay lồng tộng theo tiếng Dao), có nghĩa là “xuống đồng”. Cũng như người Việt, từ xa xưa, đồng bào miền núi phía Bắc, nhất là đồng bào Tày, Nùng đã luôn luôn sinh sống gắn bó với thiên nhiên, với bản làng, núi đồi, ruộng đồng và nương rẫy. Các phong tục, tập quán của họ luôn mang đậm nét văn hóa truyền thống.
Lễ hội Lồng Tồng được người dân nơi đây coi là lễ hội quan trọng bậc nhất vào dịp đầu năm mới, gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt, được tổ chức nhằm gửi gắm những mong ước của con người, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây trồng tốt tươi, mang lại thật nhiều no ấm.
Khắp vùng Việt Bắc, Lễ hội Lồng tồng Ba Bể đã nổi tiếng từ lâu. Hội được tổ chức ở ven hồ Ba Bể, phía dưới chân núi Bó Lù, thuộc xã Nam Mẫu, gắn liền với vùng đất huyền thoại về sự tích hồ Ba Bể |
Mở đầu phần lễ là màn dâng lễ của các xã, thị trấn trên địa huyện Ba Bể. Lễ vật là những sản phẩm ẩm thực như: Xôi ngũ sắc, gà ôm hoa cánh phượng, rượu nếp, bánh trưng… tượng trưng cho trời đất, cỏ cây, hoa lá được các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống của dân tộc mình dâng lên các vị thần sông, thần núi, thần hồ để cầu một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở, nhà nhà no ấm, yên vui.
Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi hấp dẫn, mang đậm bản sắc dân gian, vốn được coi là cái “hồn” của lễ hội như: Bắn cung, bịt mắt bắt dê, chọi bò, đấu vật, đẩy gậy, đi khà kheo, vẽ tranh, xem triển lãm báo xuân… Đặc biệt và sôi động nhất là trò chơi đua thuyền trên hồ Ba Bể và trò chơi tung còn luôn thu hút được nhiều người đến xem và tham gia.
Nét độc đáo của hội Lồng tồng Ba Bể ở chỗ, bà con đi hội không chỉ để chơi, mà còn để bán những nông sản do tự mình làm ra, khiến hội Lồng Tồng còn có màu sắc của hội chợ nông sản. Theo đó, người dân và du khách tham gia mua sắm những kỷ vật được tạo thành từ chính đôi tay khéo léo của bà con dân tộc địa phương, được thưởng thức các hương vị đặc sắc của văn hoá ẩm thực, những món ăn truyền thống của người bản địa vùng hồ...