Bắc Kạn: Tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Triển khai đồng bộ các dự án thành phần
Xác định Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 có vai trò rất quan trọng đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Bắc Kạn đã và đang triển khai đồng bộ các dự án thành phần nhằm từng bước nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Tập trung sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư (Ảnh: S.T) |
Đối với Dự án 1, ở nội dung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán, tỉnh Bắc Kạn dự kiến hỗ trợ 16 hộ đất ở, 82 hộ nhà ở, 26 hộ đất sản xuất, 531 hộ chuyển đổi nghề, 490 hộ nước sinh hoạt phân tán với kế hoạch vốn hơn 11,6 tỷ đồng, hiện đang triển khai rà soát lấy nhu cầu của các hộ, dự kiến kế hoạch vốn giao các xã thực hiện. Ở nội dung hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung dự kiến đầu tư xây dựng 33 công trình nước sinh hoạt tập trung tại 07 huyện với tổng mức đầu tư năm 2022 là hơn 34,1 tỷ đồng.
Tại Dự án 2 “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết” dự kiến năm 2022 triển khai 06 dự án sắp xếp ổn định dân cư, kế hoạch vốn là 38,1 tỷ đồng.
Đối với Dự án 3 “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”, Bắc Kạn sẽ triển khai 02 tiểu dự án, gồm: Tiểu dự án 1 “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân” và Tiểu dự án 2 “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN”. Dự án này có tổng kế hoạch vốn hơn 101 tỷ đồng.
Ở Tiểu dự án 1, Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu hướng dẫn thực hiện rà soát và triển khai thực hiện. Ở Tiểu dự án 2, Sở Nông nghiệp và PTNT đang chủ trì việc thẩm định danh mục các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, danh mục dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng, sau khi có danh mục được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ trình phân bổ vốn theo danh mục được phê duyệt.
Phát triển đa dạng hàng hóa nông sản
Trong năm 2022, tỉnh Bắc Kạn đầu tư hơn 495 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn vùng DTTS&MN. Cụ thể, tập trung vào mở các tuyến đường lâm nghiệp; xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung; phát triển đa dạng hàng hóa nông sản… Trong đó, nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng của đồng bào DTTS&MN đã trở thành hàng hóa và được người tiêu dùng biết đến.
Đơn cử như đối với cây chè được tỉnh Bắc Kạn định hướng trở thành nông sản chủ lực, hướng đến xuất khẩu. Để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tỉnh đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích người trồng chè cải tạo diện tích, đưa các giống chè lai có năng suất, chất lượng cao vào trồng. Đồng thời, hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, tăng cường công tác quáng bá, xúc tiến thương mại. Riêng sản phẩm chè Shan tuyết, tỉnh định hướng đưa vào các chuỗi tiêu thụ ở hệ thống siêu thị lớn, từng bước tham gia thị trường xuất khẩu, phát huy giá trị đặc sản.
Thu hoạch bí xanh thơm Ba Bể (Ảnh: S.T) |
Bí xanh thơm Bắc Kạn hiện đã được thị trường trong nước biết đến, đặc biệt đã được nhiều khu công nghiệp đưa vào làm thực phẩm trong các suất ăn chính của người lao động tại các khu công nghiệp. Đây là cây trồng đặc sản bản địa của huyện Ba Bể với chất lượng ngọt, thơm, ngon. Ngoài chế biến thành các món ăn, quả bí xanh thơm đã được HTX Yến Dương đi sâu vào chế biến thành sản phẩm trà bí thơm Ba Bể được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng.
Quýt Bắc Kạn cũng là sản phẩm được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt. Sau khi có chỉ dẫn địa lý, sản phẩm quýt Bắc Kạn từng bước khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường. Hiện nay, quýt đã được chế biến sâu thành tinh dầu quýt, rượu quýt. Với sản lượng lớn, quả quýt vẫn còn thị phần cho các nhà đầu tư chế biến.
Phát triển các sản phẩm nông sản thành hàng hóa là giải pháp căn cơ nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS&MN tỉnh Bắc Kạn phát triển sản xuất, trồng trọt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tỉnh Bắc Kạn có 34 xã khu vực I, 7 xã khu vực II và 67 xã khu vực III, có 648 thôn đặc biệt khó khăn. Dân số của tỉnh khoảng 320.000 người, gồm 7 dân tộc chủ yếu (Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa và Sán Chay), trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 88%. |