Ba nguyên nhân chủ quan "níu chân", kinh tế Việt Nam chưa thể "cất cánh"
Năm 2023, kinh tế Việt Nam diễn biến không quá tích cực trước bối cảnh bất ổn định của thế giới. Khó khăn, thách thức bủa vây nền kinh tế toàn cầu với nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, đến từ những hậu quả của đại dịch Covid-19 kéo dài; xung đột tại Ukraine chưa kết thúc lại xảy ra xung đột tại Dải Gaza với nhiều yếu tố khó đoán định; chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ; thương mại và đầu tư sụt giảm; lạm phát...
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan |
Tại Việt Nam, năm vừa qua ghi nhận đến 172.000 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022. Bình quân, mỗi tháng có gần 14.400 doanh nghiệp phá sản.
Đánh giá về số liệu này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan không khỏi xót xa: "Đây là những con số gây xúc động, đau đớn vô cùng cho những người quan sát như chúng tôi. Đặc biệt, trong số doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường, có nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được quy mô tương đối lớn, chứ không chỉ tập trung ở những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ như các năm trước. Riêng thống kê đó thôi đã đủ nói lên bức tranh hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2023 khó khăn nhường nào!".
Bà Phạm Chi Lan cho rằng, hậu quả trên đối với nền kinh tế Việt Nam là khó tránh khỏi, khi mà hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều ghi nhận mức tăng trưởng yếu, thấp đáng kinh ngại trong năm vừa qua, thậm chí không thiếu những nước lớn đã tăng trưởng âm. Sự phục hồi chỉ đang xảy ra lác đác ở một số quốc gia may mắn.
"Việt Nam chúng ta vốn là nước phụ thuộc rất lớn vào thương mại toàn cầu. Trong khi đó, năm 2023 chỉ số thương mại toàn cầu đã giảm 5% so với năm trước, tương đương giảm khoảng 1.500 tỷ USD xuống mức dưới 31.000 tỷ USD, ngưỡng rất thấp, ẩn chứa nhiều rủi ro nhất trong những năm trở lại đây", bà Lan phân tích và bình luận: "Như vậy, ảnh hưởng từ những sự sụt giảm thương mại toàn cầu đó, chúng ta bị khó khăn là điều đương nhiên".
Trong bức tranh nhạt màu đó, bên cạnh những yếu tố khách quan, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại đến từ nguyên nhân chủ quan của nền kinh tế Việt Nam.
Bà nói rằng: "Khó khăn chung tôi không nói đến nữa. Tuy nhiên, đáng nhẽ nếu chúng ta có thể hình dung và dự đoán được tình trạng xấu đi của kinh tế toàn cầu, chúng ta đã phải chuẩn bị cho mình những biện pháp để cố gắng vượt lên, bằng cách đáp ứng yêu cầu mới của thị trường thế giới. Có lẽ, một số ngành nghề của Việt Nam sẽ không đến nỗi giảm sút như vậy".
Minh chứng rõ ràng nhất cho quan điểm này, theo bà Phạm Chi Lan, là ngành dệt may. "Có những nước như Bangladesh, trước đây thua xa Việt Nam trong lĩnh vực dệt may nhưng năm vừa rồi họ đã bứt tốc vươn lên rất tốt nhờ việc đẩy nhanh tốc độ "xanh hóa" để bắt kịp với xu hướng phát triển bền vững tại các thị trường trọng điểm, trở thành mục tiêu tìm kiếm đơn hàng. Ngược lại, doanh nghiệp dệt may của chúng ta lại chậm trễ trong việc chuyển đổi sang xu hướng phát triển xanh, mặc dù có nhiều cảnh báo được đưa ra, nhưng họ dường như phớt lờ, để rồi rơi rụng đơn hàng", bà Phạm Chi Lan cho hay.
Mặt khác, chiến lược phát triển của doanh nghiệp nội địa còn thiếu nhạy bén, giữ lối kinh doanh cũ, trung thành với những thị trường truyền thống, những khách hàng lâu năm mà ngần ngại mở rộng hoạt động sang thị trường mới mẻ, tiềm năng khác.
"Thị trường chủ lực xuất - nhập khẩu của Việt Nam thì chúng ta đều biết rồi, là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc... đều là những thị trường lớn nhất toàn cầu, nhưng khi khó khăn ập đến cũng là nơi hứng tác động đầu tiên. Vậy vì sao, nhân lúc tình hình thiếu ổn định, các doanh nghiệp không cố gắng và nỗ lực tìm thêm thị trường khác đi, đa dạng hóa đối tác, khách hàng theo chiến lược "diversified" đang được các công ty thế giới ưa chuộng?", bà Lan đặt câu hỏi và khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam cần phấn đấu hơn nữa, tránh bám giữ các thị trường cũ như hiện nay.
Cuối cùng, chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách vĩ mô của Việt Nam chưa đủ kích thích, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt lên trên những thách thức. "Doanh nghiệp được coi là những người đang bệnh, đang đau. Muốn giúp người ta thì cần có liều thuốc đủ mạnh để xóa tan cơn bệnh, đưa người ta bình phục trở lại. Tuy nhiên, tôi cho rằng các chính sách hiện chưa đủ mạnh, thiếu tác dụng... Tôi mong rằng, sang năm 2024, các chính sách vĩ mô của Việt Nam sẽ đúng và trúng hơn, mang tính thực thi mạnh mẽ hơn để giúp những doanh nghiệp đang kề cận phá sản, hoặc rộng hơn là những doanh nghiệp đang còn tồn tại đến ngày hôm nay, có thêm niềm tin để vững vàng chiến đấu trong năm mới, năm mà được đánh giá là khó khăn hơn năm 2023", bà Phạm Chi Lan bày tỏ.