Năm 2024: Cơ hội làm mới nền kinh tế từ những bài học cũ
Việt Nam nằm trong số 20 nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Vẫn còn dư địa cho tăng trưởng kinh tế 2024 |
Ảnh minh hoạ. |
Kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm 2023 đầy thách thức và có cả những dị thường, nhưng dường như càng khó khăn, những bài học kinh nghiệm càng choi chúng ta thấy rằng, không phải chỉ quan tâm đến dư địa cho tăng trưởng, cho phát triển mà việc làm tốt hơn trong khả năng có thể cũng có thể tạo thêm những động lực mới.
Một ví dụ như vậy là với ngành Dệt may. Bangladesh đã từng được coi là “chiếu dưới” với dệt may Việt Nam về cạnh tranh trong xuất khẩu. Nhưng những năm gần đây, nước này mạnh mẽ đầu tư cho chuyển dịch theo hướng may mặc xanh, nhờ đó đã gặt hái được nhiều đơn hàng mà lẽ ra đã có thể thuộc về các doanh nghiệp Việt. Trong khi đó dường như doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn chưa thực sự chuyển động theo hướng này trong khi xu hướng sản xuất xanh đã ngày một mạnh mẽ.
Câu chuyện của ngành Dệt may nêu trên đây gợi cho thấy rằng, chúng ta dự liệu đủ và đúng về thị trường hay chưa, rằng những kịch bản chúng ta đã lên sẵn có đủ lực để tiếp đà cho doanh nghiệp hay không. Đành rằng tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2023 chỉ quanh con số 2% so với mức 5% của năm 2022. Nhưng câu hỏi liệu chúng ta có thể làm tốt hơn trong những địa hạt, trong những lĩnh vực mà lâu nay doanh nghiệp Việt Nam vốn có thế mạnh vẫn là một câu hỏi mà kinh tế năm 2023 đặt ra cho năm 2024.
Cũng vẫn là câu chuyện thị trường, các báo cáo, các nhận định tổng quan về kinh tế được nêu ra trong năm 2023 dành nhiều chỗ liên quan đến các thị trường trọng điểm. Dường như chúng ta đã đặt nhiều kỳ vọng với những thị trường trọng điểm này để kích tăng trưởng, kích kim ngạch để đến khi chính các thị trường này bị thắt, rồi bó lại cũng là lúc nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam bị tác động không nhỏ. Bài học ở đây liên quan đến sự linh hoạt trong chuyển đổi thị trường, một vấn đề được đặt ra từ lâu nhưng vẫn ít có chuyển động thực sự.
Hoặc giả chúng ta chưa quen với việc chủ động từ sớm để nhìn tới các thị trường khác, những thị trường đôi khi bị mang các tên là thị trường “ngách” hoặc cùng lắm chúng cũng chỉ được coi là là thị trường bàn đạp để đi tới những thị trường trọng điểm mà chưa được coi là “nồi cơm” doanh nghiệp Việt. Tâm sự của ông chủ của một tập đoàn lớn nhiều tỷ USD rằng, để giữ vững đơn hàng trong bối cảnh thị trường ngày nay cần phải cố gắng không phải chỉ hàng trăm mà phải là hàng nghìn phần trăm có lẽ là điều rất cần được suy nghĩ.
Chúng ta thường nói thể chế là động lực, là nguồn kinh phí lắm khi còn quý hơn nguồn lực tài chính được “bơm” trực tiếp tới doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia thường nhấn mạnh rằng chính sách tốt thì kinh tế mạnh. Nhưng chính những chuyên gia này đã quên mất một điều là để có được mong muốn đó còn có một điều kiện rất tiên quyết là quá trình thực thi các chính sách đó trong thực tiễn đời sống kinh tế.
Có được chính sách tốt là điều không dễ nhưng điều quan trọng hơn là các chính sách đó “thấm” được doanh nghiệp ra sao cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Có chuyên gia nhấn mạnh yếu tố trọng điểm là chính sách cần chú trọng cho các đối tượng doanh nghiệp đầu đàn, có tính chất kéo và lan toả. Điều này đúng nhưng chưa đủ bởi nếu chỉ quá chú trọng điều này thì có thể làm cho tính liên kết giữa các doanh nghiệp vốn đã yếu lại bị đại dịch Covid-19 làm cho tơi tả.
Hiệu quả của các chính sách, nhất là chính sách vĩ mô đang cần có những tổng kết, đánh giá nghiêm túc để nguồn lực thể chế không bị hạn chế hiệu quả. Cũng là để niềm tin của các doanh nghiệp trong và ngoài nước không bị ảnh hưởng, không bị mất đi. Bởi trong kinh doanh thực tiễn của những năm gần đây và năm 2023 càng cho thấy niềm tin của doanh nghiệp là điều không thể thiếu. Tiền có thể thiếu nhưng nếu thiếu niềm tin kinh doanh, niềm tin đầu tư thì các chính sách càng vất vả hơn để rồi không phát huy được hoặc nếu có phát huy được vai trò cũng rất hạn chế.
2024 trong vai trò một năm bứt tốc như Chính phủ xác định chính là cơ hội để chúng ta làm mới nền kinh tế, đồng nghĩa với việc trả lời rốt ráo những bài học kinh nghiệm, những câu hỏi mà năm 2023 đã gửi lại.