Áp lực về nhu cầu kém hơn đè nặng lên giá đậu tương
Khép lại phiên giao dịch cuối tuần, các mặt hàng nông sản đồng loạt chìm trong sắc đỏ. Dầu đậu dẫn dắt đà giảm của cả nhóm khi lao dốc hơn 4,5%, trong bối cảnh nhu cầu từ nhà nhập khẩu dầu thực vật số 1 toàn cầu Ấn Độ sẽ tiếp tục sụt giảm trong tháng 11 do lượng tồn kho lớn. Trong khi đó, yếu tố mùa vụ tại Nam Mỹ và tình hình xuất khẩu tại Mỹ là nguyên nhân giúp lý giải cho diễn biến giá của các mặt hàng còn lại.
Đối với đậu tương, giá tiếp tục nối dài đà suy yếu và đóng cửa giảm gần 2%, mức giảm mạnh nhất trong gần 2 tháng trở lại đây. BAGE cho biết đậu tương ở Argentina nảy mầm và phát triển tốt ở các vùng nông nghiệp chính nhờ lượng mưa đầu tháng 11. Với việc thị trường liên tục đón nhận những tín hiệu tích cực về mùa vụ năm nay của Argentina, mối lo ngại trước đó về rủi ro thời tiết khô hạn đã hoàn toàn được xóa bỏ.
Còn tại Mỹ, báo cáo Export Sales tối qua cho biết, khối lượng bán hàng đậu tương niên vụ 23/24 trong tuần 10 – 16/11 đã sụt giảm 75,5% so với tuần trước đó. Con số này cũng thấp hơn mức 1 triệu tấn, mức doanh số duy trì trong hơn 1 tháng qua, phản ánh nhu cầu quốc tế đối với đậu tương Mỹ đang có dấu hiệu suy yếu. Điều này đã tác động “bearish” mạnh mẽ đến giá đậu tương ngay sau thời điểm phát hành báo cáo.
Cũng theo báo cáo, khối lượng bán hàng ròng lúa mì trong tuần đánh giá chỉ đạt 171.753 tấn, gần với mức thấp nhất của khoảng dự đoán từ thị trường. Kết quả xuất khẩu tiêu cực của Mỹ là yếu tố gây áp lực lớn lên giá và khiến giá đóng cửa phiên hôm qua sụt giảm 1,24%.
Trong khi đó, giá ngô cũng phải đối mặt với áp lực bán mạnh mẽ của thị trường ngay sau khi mở cửa phiên hôm qua. Khép lại phiên cuối tuần, giá ngô ghi nhận mức giảm 1,08%. Những tín hiệu tích cực về thời tiết ở Argentina cũng là yếu tố gây sức ép lên giá ngô. BAGE cho biết mưa đến đã cung cấp đầy đủ độ ẩm cho quá trình phát triển ban đầy của cây trồng và thúc đẩy hoạt động trồng ngô của nông dân.
Khô đậu tương đóng cửa phiên suy yếu thứ 3 liên tiếp vào hôm qua, tuy nhiên mức giảm chưa đến 1%. Triển vọng mùa vụ đậu tương của hai quốc gia xuất khẩu khô đậu lớn nhất thế giới là Brazil và Argentina đã tác động trái chiều lên giá mặt hàng này.