Áp lực thâm hụt thu hẹp, giá dầu xoá bỏ mức tăng mạnh đầu tuần
Tâm lý các nhà đầu tư ổn định trở lại do chưa có bất kỳ thiệt hại nào về nguồn cung dầu mỏ tại Trung Đông ảnh hưởng bởi cuộc chiến. Cùng với đó, dấu hiệu cho thấy mức độ thâm hụt có thể thu hẹp lại trong giai đoạn cuối năm, đã gây sức ép bán cho dầu thô trong phiên hôm qua.
Cụ thể, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 11 giảm 2,88% xuống 83,49 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tại mức giá 85,82 USD/thùng, giảm 2,09%.
Ảnh minh họa |
Thủ lĩnh của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Saudi Arabia cho biết quốc gia này đang làm việc với các đối tác trong khu vực và quốc tế nhằm ngăn chặn sự leo thang và tái khẳng định nỗ lực ổn định thị trường dầu mỏ. Điều này góp phần làm xoa dịu các căng thẳng trong khu vực và những lo lắng xung quanh việc nguồn cung dầu bị ảnh hưởng, thúc đẩy lực bán trên thị trường.
Cùng ngày, Cơ quan Quản lý thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã phát hành Báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 10, trong đó dự báo mức thâm hụt nguồn cung cấp dầu thô có xu hướng thu hẹp lại trong quý III và quý IV so với báo cáo hồi tháng 9.
Tiêu thụ dầu thô toàn cầu được EIA điều chỉnh giảm trong hai quý cuối năm nay với cùng mức giảm 0,1% so với báo cáo trước đó, tương đương khoảng hơn 100.000 thùng/ngày, xuống các mức lần lượt 101,44 và 101,62 triệu thùng/ngày.
EIA đã điều chỉnh tăng nhẹ sản lượng trung bình năm 2023 thêm 0,1% lên mức 101,26 triệu thùng/ngày, tương đương mức tăng 80.000 thùng/ngày so với báo cáo trước. Nguyên nhân đến từ sản lượng gia tăng của các quốc gia ngoài OPEC bù đắp phần thiếu hụt từ các nước OPEC.
Nhìn chung, mức thâm hụt trong hai quý cuối năm đối với báo cáo lần này của EIA được dự báo sẽ thu hẹp mạnh. Cụ thể, mức thâm hụt trong quý III/2023 giảm xuống chỉ còn 270.000 thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với ước tính thâm hụt 510.000 thùng/ngày trong báo cáo tháng 9. Trong khi đó, thị trường được dự báo cũng dần trở lại về trạng thái cân bằng trong quý IV, thay vì mức thâm hụt 240.000 thùng/ngày trong báo cáo trước đó.
EIA dự báo giá dầu Brent đạt trung bình 90,67 USD/thùng trong quý cuối năm, giảm khoảng 2 USD/thùng so với ước tính trước. Các kỳ vọng này đã gây sức ép cho giá dầu trong phiên. Tuy nhiên, EIA cho rằng giá dầu sẽ phục hồi mạnh mẽ lên mức trung bình 94,67 USD/thùng trong năm 2024 dưới tác động đến từ yếu tố nguồn cung thu hẹp.
Xét về yếu tố vĩ mô, Biên bản cuộc họp lãi suất tháng 9 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) công bố rạng sáng ngày 12/10 cho thấy đa số thành viên quan chức cho rằng sẽ còn một đợt tăng lãi suất nữa. Biên bản cũng lưu ý tới rủi ro giá cả tăng trở lại, cùng với khả năng tăng trưởng chậm hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn tại nền kinh tế Mỹ.
Tại châu Âu, chính phủ Đức, quốc gia phát triển hàng đầu khu vực đã xác nhận dự đoán tăng trưởng GDP nền kinh tế sẽ giảm 0,4% trong năm nay do lạm phát cao kéo dài. Các áp lực này cũng góp phần thúc đẩy đà giảm của giá dầu bởi lo ngại triển vọng nhu cầu tiêu thụ yếu kém.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, Báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ bất ngờ tăng mạnh 12,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 6/10, cao hơn nhiều so với dự báo chỉ tăng 500.000 thùng/ngày từ Reuters. Thông tin này cho thấy nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ có khả năng đang chững lại, tạo áp lực lên giá dầu cuối phiên.