50 doanh nghiệp Trung Quốc tìm cơ hội đầu tư vào tỉnh ven biển có "siêu cảng" lớn nhất miền Tây
UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong ba ngày 19 - 21/3, địa phương tiếp đón đoàn 50 doanh nghiệp lớn của Trung Quốc hoạt động đa ngành từ lĩnh vực nông - lâm - thủy sản đến logistics… đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác, kinh doanh. Đây là đoàn doanh nghiệp Trung Quốc lớn nhất từ trước tới nay đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh tại Sóc Trăng.
Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã giới thiệu với các doanh nghiệp Trung Quốc về thế mạnh kinh tế của địa phương, như sản lượng lúa trên 2 triệu tấn/năm, thủy sản trên 375.000 tấn/năm. Các mặt hàng xuất khẩu của Sóc Trăng đạt tổng giá trị trên 1,5 tỷ USD, trong đó lúa gạo chiếm gần 1/3 (với hơn 410 triệu USD/năm).
Cảng Trần Đề được quy hoạch là cảng nước sâu cửa ngõ của vùng đồng bằng sông Cửu Long |
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã giới thiệu với đoàn doanh nghiệp Trung Quốc về quy hoạch, định hướng triển khai dự án cảng biển Trần Đề thuộc Cảng biển Sóc Trăng. Khi hoàn thành, dự án cảng biển này có tầm quan trọng với cả khu vực và địa phương. Hiện dự án ở giai đoạn lập quy hoạch chi tiết, báo cáo tiền khả thi.
Được biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì cảng biển Sóc Trăng được phân loại là cảng biển loại III, thuộc nhóm cảng biển số 5, quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt khi hình thành cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Trần Đề.
Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn lên đến gần 50.000 tỷ đồng.
Theo đơn vị tư vấn, dự kiến vốn Ngân sách nhà nước đầu tư hạng mục đường sau cảng; cầu vượt biển, đê chắn sóng, luồng tàu, vũng quay tàu với số vốn đầu tư đến giai đoạn hoàn thiện là 46.476 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 29% tổng vốn đầu tư. Vốn kêu gọi các nhà đầu tư các công trình còn lại và đầu tư trang thiết bị khai thác cảng với số vốn đầu tư là 116.255 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 71% tổng vốn đầu tư.
Việc xây dựng bến cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Trần Đề, giúp tỉnh Sóc Trăng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng cường kết nối, giảm chi phí vận tải và khối lượng hàng hóa tiếp chuyển lên các cảng biển Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng còn một số dự án lớn đang thi công, như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề, cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu, nối Sóc Trăng với Trà Vinh và xa hơn là TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Sóc Trăng hiện có 5 tuyến quốc lộ kết nối với các địa phương khác trong vùng, chưa kể hệ thống đường sông, đường biển.
Chủ tịch Sóc Trăng kỳ vọng, qua chuyến đi này, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tìm thấy cơ hội hợp tác với doanh nghiệp địa phương, và tăng cường đầu tư vào Sóc Trăng.
Ông Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong số 50 tập đoàn, công ty Trung Quốc tham gia đoàn lần này, có nhiều doanh nghiệp mạnh về nông - lâm - thủy sản, logistics. Sóc Trăng cũng có thể mạnh về các sản phẩm nông nghiệp, trong khi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn, nên cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp hai bên rất tiềm năng.
Hiện, Sóc Trăng đã có 4 dự án của doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, gồm điện gió, sản xuất tôm và giày da.