10 tháng đầu năm, FPT mang về hơn 40.000 tỷ đồng doanh thu
Công ty Cổ phần FPT vừa công bố kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm 2023 với doanh thu đạt 42.465 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 7.690 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ là 5.407 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, FPT đã hoàn thành hơn 81% mục tiêu doanh thu và 85% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
FPT mới đây công bố việc mua lại Cardinal Peak, một doanh nghiệp với hơn 20 năm kinh nghiệm tại thị trường Bắc Mỹ trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật công nghệ, bao gồm phần cứng, phần mềm nhúng, điện toán đám mây, ứng dụng di động… |
Về cơ cấu hoạt động, 10 tháng đầu năm, khối công nghệ (gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài) đạt 25.181 tỷ đồng doanh thu và 3.521 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng tương ứng 24% và 21% so với cùng kỳ.
Nhóm dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài đóng góp 19.790 tỷ đồng doanh thu và 3.237 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng lần lượt 30% và 28% so với cùng kỳ.
Các thị trường trọng điểm tiếp tục tăng trưởng, dẫn đầu là thị trường Nhật Bản tăng 44% và APAC tăng 35%. FPT cũng ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, với doanh thu từ đơn hàng ký mới đạt 23.123 tỷ đồng, tăng 27%.
Mảng dịch vụ công nghệ thông tin trong nước ghi nhận doanh thu 5.391 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 8%. FPT tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với khối chính phủ, bộ ban ngành và các doanh nghiệp nước ngoài để duy trì mức tăng trưởng.
Khối giáo dục, đầu tư, khác đạt doanh thu 4.262 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ và lãi trước thuế 1.588 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, FPT mới đây công bố việc mua lại Cardinal Peak, một doanh nghiệp với hơn 20 năm kinh nghiệm tại thị trường Bắc Mỹ trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật công nghệ, bao gồm phần cứng, phần mềm nhúng, điện toán đám mây, ứng dụng di động…
Công ty này đang sở hữu tệp khách hàng hơn 300 đơn vị thuộc nhiều lĩnh vực: Ô tô, điện tử tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, phát nội dung trực tuyến, robot, an ninh, quốc phòng - hàng không vũ trụ.
Đại diện FPT cho biết, thương vụ này kỳ vọng sẽ giúp tập đoàn tăng gấp đôi doanh thu từ mảng dịch vụ kỹ thuật sản phẩm (dịch vụ tư vấn, thiết kế, phát triển, thử nghiệm các công nghệ mới bao gồm cả phần cứng và phần mềm để tạo ra các sản phẩm tốt nhất) tại thị trường Mỹ trong vòng hai năm tới.
Sau thương vụ này, Cardinal Peak vẫn sẽ giữ nguyên thương hiệu và mô hình hoạt động như hiện tại. Đồng thời, FPT sẽ giúp Cardinal Peak nâng cao năng lực cũng như mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ, tập khách hàng trên toàn cầu. Hiện, phía tập đoàn chưa công bố giá trị thương vụ.
Như vậy, Cardinal Peak sẽ là công ty thứ tư tại Mỹ được FPT mua lại. Trước đó vào năm 2018, FPT đã thâu tóm 90% cổ phần của Intellinet - công ty tư vấn chuyển đổi số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ thời điểm bấy giờ.
Đến năm 2023, FPT mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ của công ty Intertec International. Ngoài ra, đầu tháng 10/2023, FPT cũng trở thành nhà đầu tư lớn của Landing AI - công ty phần mềm thị giác máy tính và AI hàng đầu của nước Mỹ.
Việc liên tục thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập với doanh nghiệp công nghệ trên thế giới là chiến lược của FPT nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, nâng cao năng lực kinh doanh, mở rộng tập khách hàng. Qua đó, hướng đến mục tiêu đạt doanh số 1 tỷ USD từ dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài và lọt top 50 công ty công nghệ toàn cầu vào năm 2030.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch 14/11, cổ phiếu FPT đạt 92.600 đồng/cp, tăng hơn 36% so với thời điểm đầu năm nay.