Xuất khẩu phần mềm là điểm tựa của kinh tế số
Sử dụng phần mềm bản quyền yêu cầu tiên quyết với doanh nghiệp Triển khai phần mềm kê khai chi phí khám chữa bệnh BHYT |
Điểm tựa kinh tế số
Trong quý I/2023, doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài của FPT tăng 32%, số lượng hợp đồng ký mới tăng 44,1%. Thị trường Nhật Bản và châu Á - Thái Bình Dương đóng góp tích cực nhất với tăng trưởng doanh thu lần lượt đạt 31,2% và 65,7% nhờ xu hướng đầu tư mạnh mẽ cho chuyển đổi số. Năm 2023, FPT đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu phần mềm đạt 1 tỷ USD.
Ảnh minh họa. (Internet) |
Một doanh nghiệp khác cũng có sự khởi sắc về kinh doanh là CMC Global. Doanh thu 6 tháng đầu năm tài chính của công ty này là 641 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ; lợi nhuận tăng 90% so với cùng kỳ. Các thị trường chiến lược như Hàn Quốc, châu Á - Thái Bình Dương đang duy trì mức tăng trưởng tốt.
Nhật Bản nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung là thị trường tiêu thụ rộng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Riêng tại Nhật Bản, hiện có hơn 500 doanh nghiệp Việt cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho doanh nghiệp nước này, trong đó hơn 10 doanh nghiệp có quy mô trên dưới 1.000 lao động như Rkikeisoft, Luvina, Fujinet, VMO, VTI...
Nhu cầu ủy thác phát triển phần mềm của Nhật Bản ước tính hơn 30 tỷ USD/năm (IPA), trong đó các doanh nghiệp Việt Nam chiếm 6-7% thị phần. Doanh thu từ thị trường này đóng góp lớn trong 14 tỷ USD doanh thu thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam năm 2022. Tốc độ tăng trưởng luôn ở mức 20-40%.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết, hợp tác với thị trường Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Tiềm năng thị trường còn rất lớn do tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở nước này. Mặt khác, các hệ thống công nghệ thông tin tại Nhật Bản đã phát triển từ lâu, nên cần cập nhật công nghệ mới, bảo trì, bảo dưỡng. Vì thế, nguồn công việc thuê ngoài từ Nhật sẽ rất lớn.
Vẫn còn dư địa lớn
Dù có sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, nhưng so với tiềm năng thị trường thế giới, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đặt một bước chân nhỏ lên mảnh đất màu mỡ đó. Hiện thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin toàn thế giới trị giá hơn 1.800 tỷ USD. Trừ đi miếng bánh cho các BigTech, thị trường vẫn còn hơn 1.000 tỷ USD dành cho các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ phần mềm và hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin. Đó sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia khai thác.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu phần mềm của các doanh nghiệp trong nước ở thị trường nước ngoài đạt hơn 2 tỷ USD vào cuối năm 2023. Việt Nam có những chính sách ưu đãi cho ngành công nghệ thông tin mà trên thế giới hiếm quốc gia nào có được, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm đầu tiên và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo với các doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm...
Theo ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Công ty cổ phần Misa, thị trường thanh toán qua máy POS cho các nhà hàng trên thế giới có quy mô cỡ hơn 10 tỷ USD và phần lớn các BigTech không tham gia thị trường này, bởi đặc thù của nhà hàng là cần hỗ trợ dịch vụ tại chỗ và dịch vụ phải 24/24, nên mỗi vùng có một công ty nhỏ phân phối sản phẩm này.
“Đặc biệt, do các công ty ở châu Âu thiếu nguồn nhân lực, sản phẩm ít được đổi mới sáng tạo, nên những sản phẩm của Misa vượt trội so với sản phẩm của địa phương. Vấn đề là mình có thuyết phục được đối tác ngưng phát triển sản phẩm của họ để tập trung phân phối sản phẩm của mình hay không”, ông Long nói.
Trong Báo cáo Chỉ số dịch vụ toàn cầu (GSLI) năm 2021, Hãng tư vấn AT Kearney xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 6 về sức hấp dẫn trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm, sau các điểm đến truyền thống Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Brazil. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đang được chú trọng đầu tư và phát triển vượt bậc nhằm giúp Việt Nam xuất hiện trên bản đồ công nghệ cao thế giới. Mặt khác, lợi thế cạnh tranh lớn nhất của dịch vụ xuất khẩu phần mềm Việt Nam chủ yếu nằm ở chi phí nhân công thấp, rẻ hơn đến 20-30% so với các nước Ấn Độ, Đông Âu hay Mỹ Latinh.