Xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam: Hoa Kỳ dẫn đầu nhập khẩu, Trung Quốc giảm sốc
Giá hồ tiêu bật tăng trở lại, triển vọng tích cực cuối năm Nguyên nhân khiến thị trường hồ tiêu sôi động trở lại? Xuất khẩu hồ tiêu vào thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh |
Thị trường hồ tiêu thế giới đang chứng kiến những biến động đáng kể trong những tháng cuối năm. Điểm nhấn nổi bật là sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sang Hoa Kỳ, trong khi nhu cầu từ Trung Quốc lại giảm sút đáng kể.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam trong 11 tháng đầu năm với 67.802 tấn, tăng 41,1% và chiếm 28,8% tổng lượng xuất khẩu của hồ tiêu Việt Nam từ đầu năm. Tiếp theo là các thị trường: UAE 15.495 tấn, tăng 42,7% chiếm 6,6%; Đức 14.170 tấn, tăng 67,7% chiếm 6,0%.
Đáng chú ý, Trung Quốc chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam đạt 9.661 tấn, giảm 83,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPSA, kỳ vọng trong năm 2025 thị trường này sẽ quay lại mua mạnh, giúp giá hồ tiêu duy trì được mức cao như hiện tại. Còn từ đầu năm nay, giá tiêu tăng mạnh nhờ các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Đông.
Người trồng chăm sóc vườn tiêu để phục vụ cho mùa vụ tới. Ảnh: Hoàng Thiên |
Trên thị trường thế giới, theo Comexstat, trong tháng 11/2024, Brazil xuất khẩu 4.302 tấn hạt tiêu với kim ngạch 28 triệu USD, so với tháng 10, lượng xuất khẩu tăng 18,8% và kim ngạch tăng 19,6%.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Brazil trong tháng đạt 850 tấn, tiếp theo là Đức 464 tấn, Pakistan 433 tấn, Việt Nam đứng thứ 8 đạt 251 tấn.
Tính đến hết tháng 11/2024, xuất khẩu hồ tiêu của Brazil đạt 57.290 tấn, kim ngạch đạt 257,8 triệu USD. So với cùng kỳ năm, lượng xuất khẩu giảm 21,8% tuy nhiên kim ngạch tăng 44,9%. UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất đạt 7.556 tấn, tiếp theo là Việt Nam 7.230 tấn, Pakistan 6.356 tấn, Ấn Độ 5.982 tấn và Senegal 5.252 tấn.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giá tiêu có xu hướng giảm nguyên nhân là do thông tin lượng hàng tồn kho trong nước vẫn còn. Bên cạnh đó, các thị trường nhập khẩu có sự chuyển dịch về cơ cấu nguồn cung, thay vì nhập khẩu từ Việt Nam thì nay chuyển sang các thị trường Brazil và Indonesia.
Đồng thời, Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết đà giảm giá trên thị trường thế giới sẽ không kéo dài do nhu cầu tiêu thụ cuối năm tăng sẽ là động lực tích cực cho giá hồ tiêu toàn cầu. Cơ quan này dự báo, trong những tháng cuối năm nay, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn vì nguồn cung trong nước không còn nhiều và nhu cầu từ Trung Quốc vẫn ở mức thấp.
Cập nhật mới nhất giá tiêu hôm nay (13/12) giảm nhẹ và ổn định tùy vào từng địa phương; mức giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu thu mua ở tỉnh Gia Lai ở mức 143.000 đồng/kg (giảm 2.000 đồng/kg); tương tự, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu mua ở mức 145.000 đồng/kg (giảm 1.000 đồng/kg); giá tiêu Đắk Lắk ở mức 145.000 đồng/kg (giảm 2.000 đồng) và giá tiêu ở Đắk Nông cao nhất ở mức 145.200 đồng/kg (giảm 2.000 đồng); riêng giá tiêu ở Bình Phước vẫn giữ nguyên múc giá 145.000 đồng/kg. Trên thị trường thế giới, giá tiêu đen Lampung của Indonesia đạt 6.822 USD/tấn; giá tiêu trắng Muntok ở mức 9.115 USD/tấn. Tương tự, giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil hiện ở mức giá 6.250 USD/tấn. Giá tiêu ở Malaysia tiếp tục ổn định so với phiên giao dịch trước; giá tiêu đen ASTA của Malaysia ở mức 8.200 USD/tấn, giá tiêu trắng ASTA ở mức 10.400 USD/tấn. Giá tiêu đen Việt Nam xuất khẩu tiếp tục ổn định và tăng nhẹ ở mức 6.300 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l giữ mức 6.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 9.400 USD/tấn. |