Xuất khẩu hồ tiêu Việt chính thức trở lại câu lạc bộ tỷ USD
Hồ tiêu Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế "vàng đen" của mình trong ngành nông nghiệp trong nước. Năm nay, hồ tiêu một lần nữa chứng tỏ sức hút mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.
Theo số liệu sơ bộ từ Hải quan, trong tháng 9 năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 20.000 tấn hồ tiêu, thu về 125 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu hồ tiêu tăng 10,4% về lượng và 84,9% về giá trị. Giá xuất khẩu trung bình đạt 6.239 USD (hơn 153 triệu đồng) một tấn, tăng 67,5% - mức cao nhất trong 8 năm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu về hơn 1 tỷ USD từ 203.000 tấn hồ tiêu. Mặc dù lượng hàng xuất khẩu giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị lại tăng 46,9%.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá hồ tiêu toàn cầu sẽ duy trì ở mức cao trong ngắn hạn do nguồn cung hạn chế.
9 tháng, Việt Nam thu hơn 1 tỷ USD từ xuất khẩu hồ tiêu. Ảnh: Carbongarden |
Nguyên nhân chính là do sản lượng hồ tiêu Việt Nam dự kiến giảm trong vụ mùa 2025 do ảnh hưởng của hạn hán. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường toàn cầu. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng hồ tiêu trên thế giới vẫn tiếp tục tăng cao, đặc biệt là từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu và các nước châu Á.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), lượng hồ tiêu trong dân gần như không còn, chỉ còn trong kho của doanh nghiệp. Những đơn hàng chuẩn bị cho quý IV cũng sẽ giúp hồ tiêu trong nước tăng trở lại. Mặc dù số lượng giao dịch hiện tại không nhiều, nhưng dự kiến sẽ gia tăng vào những tháng cuối năm để phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán, điều này sẽ giúp giá tiêu Việt Nam tiếp tục tăng giá.
Theo VPSA nhận định, tồn kho vụ 2023 chuyển sang cộng với lượng nhập khẩu năm 2024 khoảng 40.000 - 45.000 tấn (kể cả nhập khẩu tiểu ngạch), cho thấy nguồn hàng xuất khẩu cho tới cuối năm sẽ thấp hơn mọi năm và cho đến tháng 3/2025 khi vụ mùa 2025 dự kiến sẽ thu hoạch. Bên cạnh đó, sản lượng hồ tiêu toàn cầu sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong 3 - 5 năm tới. Các chuyên gia dự đoán hồ tiêu đã bước vào chu kỳ tăng giá mới, kéo dài từ 10 - 15 năm, với khả năng đạt đỉnh 350.000 - 400.000 đồng một kg.
Theo báo cáo của Nedspice, xuất khẩu hồ tiêu chế biến của Việt Nam tăng hơn 50% so với năm 2023. Trong đó, hồ tiêu đen nguyên hạt xuất khẩu tăng nhẹ do thiếu vắng các nhà cung cấp Trung Quốc trên thị trường. Hơn nữa, Trung Quốc đã tăng mua trở lại đối với tiêu trắng trong bối cảnh khu vực trồng tiêu trắng tại đảo Hải Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Yagi vừa qua. Đảo Hải Nam là một trong những nguồn cung tiêu trắng chủ chốt của Trung Quốc. Dự kiến, tình trạng cung cấp hồ tiêu trắng ở Trung Quốc sẽ gặp khó khăn do nhu cầu tăng trong quý cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Sản lượng tiêu mùa vụ năm 2025 được dự báo sẽ tăng nhẹ. Xuất khẩu trong quý IV sẽ phụ thuộc vào việc giải phóng lượng tồn kho chuyển tiếp nhiều năm được nắm giữ bởi các nhà đầu tư lớn và khối lượng nhập khẩu bổ sung.
Cập nhật mới nhất giá tiêu hôm nay (1/10) trong khoảng 147.500 - 148.000 đồng/kg, giá tiêu điều chỉnh giảm nhẹ 500 - 1.000 đồng/kg so với hôm qua. Cụ thể, giá tiêu Đắk Lắk được thu mua ở mức 148.000 đồng/kg, ổn định so với hôm qua. Giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) ở mức 147.500 đồng/kg, giảm nhẹ 500 đồng/kg. Giá tiêu Đắk Nông hôm nay ghi nhận ở mức 147.500 đồng/kg. Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay giảm nhẹ 1.000 đồng/kg tại Bình Phước so với hôm qua. Cụ thể, tại Bà Rịa - Vũng Tàu hiện ổn định ở mức 148.000 đồng/kg; tại Bình Phước giá tiêu ở mức 148.000 đồng/kg. Cập nhật giá tiêu thế giới từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), kết thúc phiên giao dịch gần nhất, IPC niêm yết giá tiêu đen Lampung của Indonesia đạt 6.942 USD/tấn, giá tiêu trắng Muntok đạt 9.430 USD/tấn. Giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil ở mức 6.750 USD/tấn. Giá tiêu đen ASTA của Malaysia duy trì ổn định ở mức 8.800 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA của nước này đạt 11.200 USD/tấn. Giá tiêu đen Việt Nam hôm nay ổn định ở mức cao, giao dịch ở 6.800 USD/tấn với loại 500 g/l; loại 550 g/l mức 7.100 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 10.150 USD/tấn. |