Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng mạnh thu về hơn 8,1 tỷ USD
Xuất khẩu gỗ gần 11 tỷ USD, doanh nghiệp gỗ tăng ca, tuyển lao động Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 5/2024: Tăng trưởng tích cực nhưng vẫn còn nhiều thách thức |
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 7/2024, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta đạt trên 8,1 tỷ USD, tăng mạnh 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Yếu tố chính thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm nay là do nhu cầu tăng tại nhiều thị trường lớn, nhất là thị trường Mỹ.
Tính đến hết tháng 6/2024, Mỹ vẫn duy trì vị thế khách hàng lớn nhất, chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta. Người Mỹ rất chuộng các sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam nên các nhà nhập khẩu đã chi ra 4,38 tỷ USD mua về phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 27,6%.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng mạnh thu về hơn 8,1 tỷ USD |
Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Ngô Sỹ Hoài cho biết, hiện nay, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc) về nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao là đồ mộc trong nhà và ngoài trời.
Các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã vươn tới 170 thị trường thế giới, trong đó 5 thị trường lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ.
Nửa đầu năm nay, gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 5 trong số các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Đáng chú ý, thế mạnh Việt này nhận thêm tin vui khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ban hành kết luận cuối cùng của vụ điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, DOC giữ nguyên kết luận sơ bộ điều chỉnh vào tháng 9/2023. Chỉ ba trường hợp tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam có các bộ phận sản xuất tại Trung Quốc bị xác định thuộc phạm vi của lệnh áp thuế hiện hành với Trung Quốc.
Cụ thể, một là sản phẩm có thành phần cửa, mặt hộc và khung gỗ sản xuất tại Trung Quốc, sau đó được lắp ráp tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam.
Hai là sản phẩm có cửa, mặt hộc và khung gỗ là bán thành phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó tiếp tục gia công tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam.
Ba là sản phẩm có các chi tiết bán thành phẩm của cửa, mặt hộc và khung gỗ (bao gồm đai, trụ, ván) được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó tiếp tục gia công tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam.
DOC cho biết sẽ gửi thông báo cho Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ hướng dẫn áp dụng cơ chế tự xác nhận với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Như vậy, cơ chế này cho phép doanh nghiệp xuất khẩu tủ gỗ của Việt Nam không thuộc 3 trường hợp nêu trên được loại trừ, không phải nộp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Trong thông báo mới nhất, DOC cũng hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh bị DOC lần lượt khởi xướng từ tháng 5-6/2022. Trước đó, từ tháng 4/2020 đến nay, Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tủ gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc, với mức thuế cao nhất lên đến gần 300%.