Xuất khẩu gây thất vọng của Mỹ tạo áp lực lên giá nông sản
Lúa mì là mặt hàng dẫn đầu đà giảm của cả nhóm nông sản Giá ngô có thể chịu áp lực do thời tiết tích cực tại Argentina Giá dầu chịu sức ép, sắc xanh bao phủ thị trường nông sản |
Phe bán hoàn toàn chiếm thế áp đảo trên thị trường nông sản trong phiên cuối tuần, với sự thúc đẩy chủ yếu đến từ các số liệu xuất khẩu gây thất vọng của Mỹ. Lúa mì là mặt hàng dẫn đầu đà giảm của cả nhóm, và đánh mất gần 2% vào hôm qua. Trong khi đó, giá ngô và đậu tương cũng nối dài đà suy yếu trong phiên thứ 3 liên tiếp, khi mà tình hình mùa vụ tại Argentina liên tục đón nhận những tin tức tốt.
Cụ thể, BAGE cho biết, tỷ lệ diện tích đạt tốt - tuyệt vời của đậu tương đã tăng 2 điểm phần trăm từ mức 50% của tuần trước, và của ngô cũng tăng 1 điểm phần trăm lên mức 25% trong tuần này, nhờ thời tiết thuận lợi gần đây. Ngoài ra, BAGE cũng cho biết tại các khu vực sản xuất chính của Argentina, mưa dự kiến sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều hơn trong những ngày tới, từ cuối tuần đến đầu tuần sau. Điều này sẽ hỗ trợ cây trồng phục hồi sau đợt hạn hán vào cuối tháng 1.
Đậu tương kết phiên với mức giảm gần 1%. Theo báo cáo Export Sales, Mỹ chỉ bán được 55.919 tấn đậu tương trong tuần 9 - 15/2, giảm mạnh 84,2% từ tuần trước đó, và ở dưới mức doanh số tối thiểu mà thị trường kỳ vọng. Con số trên đồng thời là khối lượng bán hàng tuần thấp nhất của Mỹ kể từ tháng 5/2023. Điều này đã phản ánh nhu cầu quốc tế đối với nguồn cung từ Mỹ đang ở mức thấp và các lô hàng giá rẻ từ Brazil vẫn tiếp tục tạo áp lực cạnh tranh tới đậu tương Mỹ.
Đối với ngô, doanh số bán hàng của nước này cũng đã sụt giảm hơn 37% so với tuần trước đó, xuống 820.419 tấn, thấp hơn khối lượng trung bình mà thị trường dự đoán. Đây là yếu tố đã thúc đẩy phe bán chiếm lĩnh thị trường ngô trong phiên tối, và khiến giá kết phiên với mức giảm mạnh hơn 1%.
Tương tự, dù nhận được lực mua sau khi mở cửa, nhưng giá lúa mì đã nhanh chóng quay đầu suy yếu trong phiên tối, do doanh số bán hàng của Mỹ giảm tới 33,1% so với tuần trước và thấp hơn dự đoán của thị trường.
Ngoài ra, triển vọng nguồn cung có sự cải thiện tại Pháp cũng góp phần gây áp lực tới giá. Văn phòng nông nghiệp FranceAgriMer cho biết, khoảng 69% diện tích lúa mì mềm của Pháp đạt chất lượng tốt/tuyệt vời tính tới ngày 19/2, tăng 1 điểm phần trăm so với tuần trước.