Xu hướng "chữa lành" bùng nổ: Cẩn thận tiền mất tật mang
Hành trình 9 năm chữa lành 3.500 trái tim lỗi nhịp Vinamilk tặng học bổng cho một "Chiếc lá chưa lành" tại Nghệ An 9.000 em nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh được Nhịp tim Việt Nam chữa lành |
Tại sao xu hướng "chữa lành" bùng nổ?
Thời gian gần đây, khái niệm “chữa lành” đang được nhắc tới ngày một nhiều, dần trở thành một khái niệm gắn liền với giới trẻ, nhất là thế hệ Z. Trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, từ khóa “chualanh”, “healing” thậm chí còn lọt Top 100 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam.
Chữa lành là chủ đề được giới trẻ đặc biệt quan tâm |
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương, tại Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, điều này là một tín hiệu đáng mừng vì giới trẻ ngày nay đã coi trọng việc chăm sóc sức khỏe tinh thần hơn các thế hệ trước. Các nền tảng xã hội đã và đang trở thành không gian để giới trẻ bày tỏ quan điểm cá nhân đồng thời tìm kiếm sự đồng cảm của cộng đồng. Nhờ xu hướng "chữa lành" mà quan điểm về sức khỏe tinh thần đã có sự cải thiện tốt hơn trước, mọi người dần quan tâm và coi đó là một vấn đề cần thiết để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngày nay, thế hệ gen Z được giáo dục trong môi trường cơ sở vật chất đầy đủ hơn, được chăm sóc tốt hơn thế hệ 8x trở về trước rất nhiều. Một số bạn trẻ được chăm sóc, bao bọc kỹ lưỡng, không có cơ hội được cọ sát, rèn luyện nhiều nên khả năng chịu áp lực chưa cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến các bạn dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, thói quen ở trong nhà nhiều, ít vận động, phụ thuộc vào các thiết bị điện thoại, máy tính dẫn tới việc giao tiếp, tương tác xã hội của các bạn cũng bị hạn chế. Điều này tác động tới việc tôi luyện nội lực bị giảm sút, dẫn tới khả năng tổn thương về tâm lý cao hơn.
“Việc "chữa lành" có thể đang là một xu hướng, một trào lưu nhưng chúng cũng phản ánh thực trạng giới trẻ ngày nay có rất nhiều áp lực. Đây không phải là một biểu hiện đáng báo động về một chứng bệnh mà nó cho thấy một sự chuyển dịch tích cực trong cách thế hệ trẻ tiếp cận và chủ động chăm sóc sức khỏe tâm trí của mình. Các bạn cũng đã coi trọng việc tìm kiếm trạng thái cân bằng trong cuộc sống. Điều này cũng khác với thế hệ trước kia là luôn chịu đựng và có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng hơn”, Chuyên gia Tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương nhấn mạnh.
Biến tướng của việc “chữa lành” - Cẩn thận tiền mất tật mang
Cũng liên quan đến việc “chữa lành”, thời gian gần đây, xuất hiện hàng trăm sản phẩm podcast, sản phẩm ăn theo podcast dán mác "chữa lành" được đăng tải trên mạng xã hội. Tuy nhiên, những sản phẩm này lại ngập tràn tiếng chửi tục làm mất đi ý nghĩa thực của hai từ "chữa lành". Biến tướng văn hóa "chữa lành" khiến nhiều người coi nhẹ những vấn đề tâm lý và biến chúng thành trò cười trên mạng xã hội.
Nhiều podcast có nội dung không lành mạnh trở thành trò tiêu khiển, câu view trên mạng xã hội |
Những sản phẩm này có thể gây ra tác dụng ngược, đặc biệt là đối với giới trẻ, bởi không những không hỗ trợ về chữa lành tâm lý mà còn có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về tâm lý như là tăng cảm giác lo âu, stress, thậm chí là dẫn đến những hành vi bắt chước tiêu cực nếu nghe điều đó nhiều lần.
Từ đó, dẫn đến tình trạng hiểu sai về bản chất của quá trình chữa lành hoặc bài xích chữa lành. Quá trình chữa lành là quá trình làm việc với chính mình trên các phương diện cơ thể và tâm trí. Trên hành trình đó, con người sẽ nhận biết và chỉnh sửa bản thân, “lập trình” lại mô thức hành vi của bản thân. Bởi vậy, chữa lành cần thời gian đủ dài và chúng ta cũng cần chọn lọc “thức ăn” tốt cho cơ thể và tâm trí. Ngoài thức ăn hàng ngày để nuôi dưỡng cơ thể như thực phẩm, nội dung thông tin mà chúng ta nghe, đọc, tiếp cận hằng ngày là một loại “thức ăn” cho tâm trí.
Nói về mối nguy hại của loại “thức ăn” độc hại này, Chuyên gia Thanh Phương bày tỏ: “Thông qua những tác phẩm gắn mác “chữa lành" chưa tương thích như vậy chúng ta sẽ vô tình đưa những “thức ăn” độc hại vào cơ thể mình. Điều này phản ánh sự thiếu kiến thức, hiểu biết về chăm sóc cơ thể và tâm trí, nếu những sản phẩm này được lan truyền và trôi nổi trên thị trường thì thật sự rất nguy hiểm. Những người cần được sự giúp đỡ thực sự đôi khi lại không tiếp cận được những phương pháp hiệu quả”.
Theo trào lưu “chữa lành”, nhiều chương trình, lớp học về chữa lành phát sinh và PR rầm rộ có khả năng giúp con người chữa lành những vết thương lòng rất sâu, sống tích cực và năng lượng hơn.
Tuy nhiên, các khóa học chữa lành tâm lý chưa được kiểm định chất lượng một cách chặt chẽ, một chương trình có thể gây hại hơn là lợi. Do đó, việc kiểm duyệt và cấp phép bởi các cơ quan có thẩm quyền là rất quan trọng để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả. Việc này giúp ngăn chặn các tổ chức và cá nhân lợi dụng tâm lý mong muốn được chữa lành của người dân để kiếm lợi bất chính.
Chuyên gia Thanh Phương cho rằng, ngoài việc kiểm chứng các lớp học chữa lành, mọi người cũng cần nâng cao nhận thức của bản thân về chữa lành, bởi chữa lành là quá trình dài lâu và làm việc với chính mình là chủ yếu.
Tự chữa lành vết thương tâm lý
Để các bạn trẻ có thể tự chữa lành một cách hiệu quả và tránh những nội dung không lành mạnh, chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương có một số khuyến nghị, giải pháp như sau:
Chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương, tại Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam |
Thứ nhất, nâng cao sự hiểu biết về chữa lành. Chữa lành không phải là chạy ra bên ngoài để tìm kiếm mong nhờ ai đó hoặc phụ thuộc bên ngoài để có thể “chữa lành” cho mình được, mà là cả quá trình quay vào bên trong mình, quan sát, nhận biết và thấu hiểu chính mình. Nên việc đi chữa lành nghĩa là bạn cần có người hỗ trợ cách thức đúng đắn để bạn tự làm việc với chính bản thân, biết cách yêu thương và ôm ấp những tổn thương và tự mình biết cách dùng những “liều thuốc bổ” tự thân bên trong chính chúng ta.
Thứ hai, chăm sóc sức khỏe cả thể lý và tâm trí. Về thể lý, chúng ta đều biết rằng mình cần ăn uống thực phẩm sạch, khoa học và cân bằng, ngủ nghỉ đúng giờ, môi trường sạch, tập luyện thể thao… nhưng cách chăm sóc tâm trí thì ít ai biết và thực hiện. Việc chúng ta tiếp cận với các thông tin như nghe gì, xem gì và tiếp xúc với ai… đều ảnh hưởng đến tâm trí của chúng ta đó cũng là thức ăn cho cơ thể tâm trí. Bởi vậy, chúng ta cần chọn lọc thông tin mà mình tiếp xúc hàng ngày.
Thứ ba, xây dựng một mạng lưới hỗ trợ bao gồm bạn bè, gia đình và chuyên gia về tâm lý có thể giúp bạn trong suốt quá trình chữa lành.
Thứ tư, học cách nhận biết và quản lý cảm xúc của bản thân. Thực hành các hoạt động tự chăm sóc như thiền, yoga, hoặc viết nhật ký có thể giúp giải tỏa stress và cải thiện tinh thần.
Thứ năm, chủ động tìm kiếm các nguồn thông tin và nội dung chất lượng cao từ những chuyên gia uy tín và các tổ chức chuyên nghiệp. Tránh các nguồn thông tin không rõ ràng hoặc có động cơ không trong sáng.
Thứ sáu, tham gia các chương trình đào tạo và workshop về kỹ năng sống, quản lý cảm xúc, và tâm lý học để nâng cao kiến thức và kỹ năng chữa lành cho bản thân.
Thứ bảy, sử dụng phương tiện mạng xã hội một cách có chọn lọc, hạn chế tiếp xúc với các nội dung tiêu cực hoặc không lành mạnh. Thiết lập các bộ lọc nội dung và ưu tiên các tài khoản cung cấp thông tin hữu ích và tích cực.
Thứ tám, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý khi cảm thấy cần. Họ có thể cung cấp sự hỗ trợ và hướng dẫn cần thiết để bạn đối mặt và giải quyết các vấn đề tâm lý một cách hiệu quả.