Vụ học sinh dọa nạt cô giáo: Nhiều giáo viên lo lắng, ngẫm về chuyện nghề
Nghề giáo không còn được coi trọng
Những ngày gần đây, dư luận nói chung và ngành giáo dục nói riêng đang xôn xao, bất bình trước sự việc xảy ra tại trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Cụ thể, trên mạng lan truyền clip cô H, giáo viên giảng dạy âm nhạc đã bị nhiều học sinh chặn cửa sau khi hết tiết, ép cô vào tường với thái độ đầy thách thức.
Các học sinh tiếp tục buông những lời lẽ thiếu đạo đức và có hành động vô lễ (khiêu khích, giả vờ nằm ra sàn đổ tội bị cô giáo đánh, thậm chí ném dép vào đầu khiến cô bất tỉnh…) với chính giáo viên dạy mình, gây bức xúc và gióng lên hồi chuông báo động cho toàn ngành giáo dục Việt Nam.
Sau khi xem clip, thầy Trần Duy (giáo viên dạy tiểu học, tỉnh Hà Nam) không giấu được nỗi buồn, sự uất ức trước sự việc. Thầy Duy chia sẻ: “Xem hết clip, dù chưa biết ai đúng ai sai, nguồn cơn từ đâu, nhưng tôi thực sự rất buồn, uất ức thay cho cô giáo đáng thương trong clip”.
Thầy Duy giãi bày, trong quá trình làm nghề, bản thân thầy cũng từng gặp nhiều trường hợp học sinh có thái độ thiếu chuẩn mực, hỗn hào, không nghe lời. Trong một lần cũng vì quá bức xúc, thầy đã véo tai một cậu học sinh như một hình thức xử phạt. Tuy nhiên, ngay lập tức thầy cũng nhận về những phản hồi dữ dội từ phía gia đình, đổ lỗi cho thầy và cho rằng đó là hành động bạo lực.
Vì vậy, thầy Duy cũng như nhiều giáo viên khác, đã phải thay đổi, tìm một hình thức xử phạt khác, với những học sinh ngỗ ngược.
Thầy Duy trong một tiết giảng dạy. Ảnh: NVCC |
Thầy Duy kể, trong trường hợp học sinh không nghe lời, thầy cô chỉ nhắc nhở, như nêu tên, la mắng nhưng phần lớn học sinh sẽ không thay đổi. Với những vi phạm nặng hơn, thầy cô phạt nhặt rác, tưới cây… Tuy nhiên, điều đáng buồn là sau vài hôm, học sinh lại quen thuộc công việc đó, cười nói vui vẻ, thậm chí là cảm thấy sướng vì không phải đi học nữa. Vậy nên, đối với thầy các hình thức xử phạt này dường như không còn tác dụng.
“Tôi cũng như các thầy cô khác hiện nay vô cùng buồn, cảm thấy nghề giáo không còn được coi trọng. Chúng tôi mất động lực dạy, giảm tâm huyết với nghề, thậm chí có người coi công việc này để kiếm tiền, không còn đam mê và trân quý như trước”, thầy Duy bày tỏ.
Tương tự thầy Duy, cô Trần Thị Bông (một giáo viên tiểu học tại Hà Nam) cũng không khỏi bất ngờ, bàng hoàng và lo lắng nếu một ngày nào đó, bản thân cô rơi vào hoàn cảnh như cô giáo dạy âm nhạc kia.
Cô Bông nhận thấy được nỗi cô độc của cô H trong clip khi không nhận được sự bảo vệ của các đồng nghiệp trong trường và thất vọng về đạo đức ngày càng xuống cấp của học sinh.
Cô Bông cùng các học trò trong tiết học. Ảnh: NVCC |
Tuy nhiên, cô Bông cho biết cảm thấy vô cùng may mắn khi chưa gặp phải tình huống tượng tự người cô giáo trên từ khi bước chân vào nghề, đến nay đã tròn 12 năm.
“Có lẽ, việc dạy ở môi trường tiểu học sẽ bớt nguy hiểm hơn, các em còn nghe lời thầy cô. Trong khi đó, học sinh cấp 2, cấp 3 - đang tuổi mới lớn, thích thể hiện bản thân cho nên có nhưng lời lẽ, hành động thiếu chuẩn mực đạo đức và dễ xảy ra xung đột với thầy cô”, cô bộc bạch.
Trách nhiệm từ những người thầy, gia đình, các cấp lãnh đạo
Thầy Trần Khánh, một giáo viên cấp 3, dạy trường liên cấp tại Hà Nội cho biết với hơn 20 năm trong nghề, thầy cho biết bản thân gặp khá nhiều trường hợp học sinh có biểu hiện chưa đúng mực nhưng chưa bao giờ để nó trở thành phản ứng của đám đông.
“Nguyên tắc của tôi là không đôi co với học sinh. Nếu giáo dục học sinh tại thời điểm học sinh đang bị kích ứng thì mọi lời dạy hay bài học đều không có ý nghĩa. Mọi giao tiếp đều trên tinh thần tôn trọng, hợp tác”, thầy Khánh chia sẻ kinh nghiệm trong nghề.
Trước sự việc xảy ra tại Tuyên Quang và những trải nghiệm của bản thân, thầy Khánh cho rằng rất cần sự thấu cảm giữa giáo viên và học sinh, đặc biệt là giáo viên trẻ, cần tuân thủ các quy tắc ứng xử và chuẩn mực. Các buổi workshop chia sẻ kinh nghiệm trong nội bộ giáo viên cũng như hệ thống tư vấn tâm lí học đường nên được tăng cường.
“Học sinh nếu được lắng nghe, được hiểu tâm tư thì mối quan hệ giáo viên và học sinh sẽ dễ dàng hơn”, thầy Khánh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với thầy Khánh, cô Bông cho hay, mỗi thầy cô cũng cần xem xét, điều chỉnh bản thân. Với các học sinh cá biệt, thầy cô không nên chỉ ra các lỗi, mặt xấu của các em. Thay vào đó, cần phát hiện ra điều đó để thay đổi, giúp các em tự tin hơn. Rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên, gia đình, nhà trường và xã hội.
Cần có sự gần gũi giữa thầy cô và học sinh. Ảnh minh họa |
Về phía thầy Duy, thầy nhấn mạnh để có thể thay đổi nhận thức, suy nghĩ và hành vi của trẻ, bên cạnh sự giáo dục từ nhà trường, rất cần sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Thay vì quá bao bọc, bảo vệ con thì những người làm cha làm mẹ hãy phân tích, giảng giải để trẻ hiểu. Về phương diện giáo dục, Bộ cần đưa ra phương pháp cũng như chế tài xử phạt phù hợp.
“Hãy đầu tư vào giáo dục nhân cách, giáo dục đạo đức”, thầy Duy nhận định.
Vụ việc xảy ra như hồi chuông cảnh tỉnh tới toàn xã hội, đặc biệt là những người làm trong ngành giáo dục, các thầy cô trực tiếp giảng dạy học sinh. Dường như ngày càng xuất hiện nhiều hơn việc giáo viên bị học sinh xúc phạm, có hành động thiếu chuẩn mực.
Hiện nay, giáo viên đang phải chịu quá nhiều áp lực. Áp lực từ cấp trên, áp lực từ gia đình các học sinh, không được đánh học sinh, những lời lẽ cũng phải cẩn trọng vì rất dễ bị coi là xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, thậm chí là buộc thôi việc.
Dù thế nào, các thầy cô với sứ mệnh và trách nhiệm của mình cũng muốn học sinh tốt lên, không chỉ dạy các em kiến thức mà còn giúp các em nên người. Nếu thầy cô có ứng xử không đúng, cũng sẽ bị xử phạt, khiển trách và với vai trò là học sinh, các em cần “tôn sư trọng đạo”.