Visa: Mở cánh cửa cho du lịch Việt
Việt Nam hiện miễn thị thực cho công dân từ 24 nước |
Điểm nghẽn visa
Hiện Việt Nam đã miễn thị thực cho 24 nước, nhưng số các nước phát triển còn rất ít, đặc biệt khối thị trường châu Âu. Trong khi đó, lượng khách từ các nước phát triển đến Việt Nam ngày càng nhiều. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam năm 2017 đứng thứ 67/136 quốc gia. Song yêu cầu về visa ở một trong hai mức thấp nhất với thứ hạng 116/136 quốc gia.
Trước “điểm nghẽn” này, tại tọa đàm “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá”, vấn đề visa đã trở thành chủ đề được đưa ra bàn luận sôi nổi, với những nhận định, đề xuất cần phải tháo gỡ kịp thời. Trong đó, ông Phùng Xuân Khánh – Giám đốc Công ty du lịch Tiên Phong - cho hay, các doanh nghiệp (DN) du lịch cũng như các công ty kinh doanh lữ hành vào Việt Nam đã có nhiều đề xuất với cơ quan quản lý du lịch và Chính phủ rằng, việc miễn visa là giải pháp then chốt trong việc thu hút khách du lịch, luôn phải xem xét đến.
“Nếu chúng ta chưa miễn giảm được thì chúng ta cần phải có thủ tục thông thoáng hơn. Hiện nay, cũng có hình thức visa cửa khẩu, nhưng bản chất mới là khách đến cửa khẩu để lấy visa, chứ không phải đến cửa khẩu để làm visa”- ông Khánh nói.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân vào tháng 5 mới đây cũng đã chứng kiến một “cuộc đấu” giữa ngành du lịch và công an xuất nhập cảnh. Ngành du lịch thì cho rằng, visa là một điểm nghẽn thu hút khách du lịch vào Việt Nam, bên xuất nhập cảnh lại rất cương quyết và cho rằng, có rất nhiều cách khác để thu hút khách du lịch, không nhất thiết miễn visa, lại còn mất tiền phí visa. Thực tế, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Công ty du lịch TransViet - cho biết, visa như tiền vé vào chợ, đó là nếu muốn thu tiền vé vào chợ, nhưng lại không để ý thu hút khách vào chợ để bán được nhiều thứ, hóa ra lại vô tác dụng. Do đó, nếu vẫn tư duy cũ, là thu tiền vào chợ thì người bán hàng trong chợ, chính là các công ty du lịch và các ngành nghề khác sẽ vắng khách.
Nhận diện thực tế về hạn chế của visa hiện nay, ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) - đánh giá, quan điểm của ngành du lịch là phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách, vì thế vấn đề này đã được cải tiến rất nhanh thời gian qua. Đó là, ngoài miễn thị thực, Việt Nam còn có dịch vụ e-visa (thị thực điện tử) để khách du lịch có thể chủ động xin thị thực nhập cảnh được nhanh chóng.
“Chính sách lấy thị thực tại cửa khẩu của chúng ta bản chất khác với chế độ thị thực tại cửa khẩu của các nước khác. Khách phải gửi hồ sơ trước rồi mới được lấy thị thực tại cửa khẩu, còn ở các nước khác khách có thể làm trực tiếp visa tại cửa khẩu. Vấn đề này, chúng tôi cũng đang tiếp tục cùng các bộ, ngành tháo gỡ, và Chính phủ đang rất quan tâm”- ông Đức cho biết.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), việc miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu của Việt Nam đã làm tăng thêm 10,1% số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, cao hơn cả mức tăng chung ở các nước ASEAN khác khi áp dụng miễn thị thực. Năm 2016, tổng lượng khách từ năm quốc gia Tây Âu đạt gần 781.000 khách, tăng khoảng 124.000 khách, tương ứng tăng 19% so với năm trước đó. Mỗi khách chi tiêu ở Việt Nam trên 1.300 USD thì tổng số tiền thu được từ 124.000 khách tăng thêm trên 160 triệu USD. Trong khi số tiền giảm thu từ phí visa của 781.000 khách này là chưa đến 20 triệu USD. Điều này có nghĩa nguồn thu tăng thêm từ việc miễn thị thực cao hơn so với việc giảm thu phí visa 25 USD/khách.
Thông tin trên cho thấy, chính sách thị thực nhập cảnh luôn được coi là một trong những chính sách có tác động lớn nhất đến lưu lượng du lịch quốc tế, thu hút đầu tư trực tiếp, nâng cao lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường, tăng nguồn thu, tạo thêm nhiều việc làm... Theo đó, ngoài miễn visa, đề xuất từ cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam cần giải quyết thị thực thuận lợi nhất cho du khách, vì đây là yếu tố được du khách cân nhắc khi chọn điểm đến. Hiện tại, dù Việt Nam đã cải tiến về vấn đề này, đó là làm tại cửa khẩu, e-visa nhưng lại có một số bất cập, do du khách đi bằng nhiều hãng hàng không khác nhau, nếu khách bay thẳng đến Việt Nam họ có thể lấy visa ở cửa khẩu, nhưng nếu phải đi một số nước khác hoặc đi nối chuyến thì du khách sẽ phải tính toán.
Thời gian tới, nhiều doanh nghiệp kiến nghị thêm, một số thị trường có thể xem xét miễn visa du lịch như: Australia, Canada, Hà Lan, Thụy Sỹ và Bỉ… vì đây là những quốc gia có nhiều du khách đến Việt Nam, có thời gian lưu trú bình quân trên 15 ngày, mức chi tiêu bình quân trên 1.200 USD. Đến năm 2020, nên mở rộng diện miễn thị thực du lịch tối thiểu cho 60 quốc gia, tập trung vào các nước và vùng lãnh thổ là thị trường nguồn tiềm năng cho ngành du lịch; tăng số ngày miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày cho công dân các nước có số lượng khách du lịch lớn đến Việt Nam trong những năm qua gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan.
Việc miễn thị thực không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn mang lại lợi ích cho xã hội, theo Tổ chức Du lịch Thế giới, tại các nước ASEAN, miễn thị thực làm tăng thêm 1,6%-3,1% số việc làm trực tiếp cho ngành du lịch và các ngành khác đều hưởng lợi. |