Viết trong ngày Nhà giáo Việt Nam: Học đường vẫn phải là nơi tốt nhất lan tỏa tình thương
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Từng bước tạo dựng văn hóa học đường lành mạnh, tốt đẹp Đâu là "liều thuốc đặc trị" giải quyết " căn bệnh" bạo lực học đường? |
Bấy lâu nay hình ảnh học đường với những tin tức về bạo lực giữa các em học sinh, những con số lạm thu đầu năm học cùng nhiều hình ảnh “ngổn ngang” có phần lấn át hình ảnh, bóng dáng những thầy cô nơi rẻo cao, băng đèo lội suối và cả quên mình trong mưa bão để mang con chữ đến với các em học sinh.
Và cơn gió lạnh đầu mùa "hỏi thăm" những lớp học đơn sơ không làm lụi đi được ngọn lửa nhiệt tình của các thầy, các cô đã và đang tìm thấy tình thương yêu nơi những gương mặt các học trò bé bỏng.
Những ngày gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay có một câu chuyện mà cứ muốn đọc đi đọc lại mãi. Đó là câu chuyện ở một số trường học trên cả nước, hiệu trưởng và các giáo viên đã chung một thư ngỏ tới các vị phụ huynh thay vì tặng quà, tặng hoa và cả tặng tiền các thầy cô hãy chung tay để những trò nghèo gia đình chưa có đủ tiền đóng bảo hiểm y tế cho cả năm học có cơ hội được mua thẻ bảo hiểm.
Số tiền mua một tấm thẻ bảo hiểm y tế cho một học sinh cả năm học là 681.000 đồng, vâng một số tiền có thể không lớn với nhiều gia đình nhưng ở đâu đó vẫn có những học sinh mà gia đình sau khi lo toan đủ cho con vào đầu năm học thì đây lại là một món theo đúng nghĩa của từ này.
Hay cũng là một câu chuyện mới đây thôi ở một trường phổ thông trung học của Hà Nội có thể còn chưa được nhiều người biết. Đó là việc có em học sinh do trót tham gia các ứng dụng trên mạng xã hội mà đã mất oan nhiều triệu đồng. Cô giáo chủ nhiệm nắm được tình hình đã kịp thời động viên con. Cùng đó cô còn tự bỏ tiền túi ra giúp học sinh của mình vượt qua cú “pan” tinh thần này để tiếp tục đến lớp, đến trường cùng các bạn.
Liệu câu chuyện “chưa từng có” hay đơn giản là bây giờ mới được biết này có đáng để những người làm quản lý giáo dục lay động hay không và liệu sẽ có một sáng kiến gì đó để lan toả những câu chuyện mang đậm tình thương ấy, để góp phần khôi phục tạo dựng những hình ảnh tốt đẹp từng đi ra từ mái trường đến với xã hội hay không.
Ảnh minh hoạ |
Dường như trong cuộc sống hiện đại, những cái ảo nơi mạng xã hội và cùng nhiều điều khác đã “lấn chiếm, thế chỗ” cho những mối giao tiếp, ứng xử trân quý vốn có nơi học đường. Và những phạm trù tình cảm thiêng liêng trong đó có cả tình thương yêu dường như ngày một mai một và biến dạng đi. Hoặc nếu có được nhắc đến, nói ra thì dường như những phạm trù tình cảm ấy cả thầy và trò đều trong một cái tâm thế “bẽn lẽn” thay vì phải trân trọng, phải đề cao để tình thương yêu giữa thầy và trò, giữa trò và trò thêm cơ hội được lan toả, được củng cố.
Có một tác phẩm xuất bản tại Việt Nam đã lâu liên quan đến chủ đề giáo dục mà tin rằng ít người còn nhớ. Đó là cuốn “Bài ca sư phạm” của nhà giáo dục, nhà văn Xô viết Anton Semyonovich Makarenko. Nội dung tác phẩm cũng thật giản dị xoay quanh những chuyện xảy ra trong một trại giáo dưỡng dành cho trẻ em hư hỏng, phạm pháp; do chính Makarenko phụ trách từ năm 1920.
Những câu chuyện được tác giả- người trong cuộc thuật lại vừa thắm đượm tình thương yêu con người, vừa nhuốm chất hài hước hóm hỉnh. Đó là những câu chuyện rất nhân bản mà ở đó không phải là nhấn chìm lũ trẻ với những lầm lạc trong quá khứ mà phải biết khơi dậy - thức tỉnh - động viên - ủng hộ những mầm mống của nhân phẩm chân chính, tốt đẹp. Phải có phương thức, biện pháp cụ thể để "thiết kế cái tốt" trong mỗi bản thân con người, đó là cái tứ chủ đạo của “bài ca sư phạm” mà tác giả Makarenko viết trong cuốn sách quan trọng nhất của cuộc đời ông.
Và ý nghĩ lớn nhất nhân ngày Nhà giáo Việt Nam hôm nay rằng phải chăng học đường vẫn phải là nơi tốt nhất để lan toả, chắp cánh tình thương yêu cho các em học sinh. Kiến thức có thể có nhiều cơ hội để đến với con người ta nhưng việc xây dựng, bồi đắp những tình cảm nhân bản thì thực là khó có cơ hội để làm lại, hoặc, có thể phải trả bằng một cái giá đắt, rất đắt.