Vì sao giá nhiều loại nông sản xuất khẩu tăng kỷ lục?
Lực mua áp đảo thị trường nông sản, giá bạch kim chịu sức ép Thị trường nông sản diễn biến ảm đạm, giá đồng tiếp đà hồi phục Thị trường nông sản đóng cửa trong sắc đỏ |
Nhiều loại trái cây xuất khẩu của Việt Nam gần đây đồng loạt tăng giá mạnh. Theo ghi nhận, sầu riêng là loại cây ăn trái có giá tăng cao nhất. Hiện mỗi kg sầu Monthong loại A có giá 218.000-230.000 đồng một kg, loại B có giá 195.000-200.000 đồng, còn loại C là trên 100.000 đồng một kg. Mức giá này tăng 15% so với cùng kỳ và tháng trước đó.
Giá cả nhiều mặt hàng nông sản tăng cao. Ảnh minh họa |
Tương tự, giá cà phê, hồ tiêu cũng liên tục tăng. Hiện, giá hồ tiêu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua để đạt mức 98.000 đồng/kg; giá hồ tiêu Bình Phước tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua, để lên mức 98.000 đồng/kg.
Diễn biến thực tế của thị trường cà phê còn sôi động hơn nhiều. Giá cà phê hôm nay ngày 23/4/2024 trung bình ở mức 127,300 đ/kg tăng mạnh +1,000 so với ngày hôm trước. Tuần này, giá cà phê trong nước tăng nóng thêm 7.000 đ/kg.
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng giá một số loại nông sản đã tăng "vượt quá mọi sự tưởng tượng". Nguyên nhân tăng trưởng một phần nhờ nhu cầu thị trường thế giới tăng cao, nhất là đối với mặt hàng cà phê.
Xuất khẩu tăng vọt cũng đẩy giá các nông sản liên tục lập đỉnh. Yếu tố góp phần không nhỏ vào giá xuất khẩu cao của nhiều mặt hàng chính là chất lượng nông sản Việt Nam đang ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đa dạng của nhiều quốc gia, khu vực.
Chia sẻ với Báo Công Thương, một số thương lái cho biết giá sầu riêng tăng mạnh là do nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu thu mua xuất khẩu của các nhà vựa, doanh nghiệp ở mức cao.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc đang rất thuận lợi. Hai tháng đầu năm, chúng ta đã xuất khẩu gần 33.000 tấn sầu riêng sang thị trường đông dân nhất thế giới.
“Hiện nay nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc rất lớn. Năm 2022 khoảng 4 tỷ USD, năm nay có thể lên đến 6 tỷ USD. Dự báo trong những năm tới Trung Quốc có thể nhập khẩu đến gần 20 tỷ USD. Sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam đến 20 năm nữa vẫn có giá trị, thị trường xuất khẩu vẫn rất tốt và riêng thị trường Trung Quốc sẵn sàng bao sân hết khu vực Đông Nam Á”, ông Nguyên chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyên, Việt Nam ta rất có lợi thế cạnh tranh logistics với thời gian vận chuyển nhanh, chi phí thấp. Việc giảm chi phí logistics sẽ thúc đẩy xuất khẩu, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam.
“Việt Nam rất có lợi thế về logistic đường bộ, cảng biển rất thuận lợi, thời gian vận chuyển nhanh, chi phí thấp…Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ giúp chi phí rẻ hơn, thời gian nhanh hơn, giúp cho hàng hoá nông sản có sự cạnh tranh tốt hơn so với các nước khác”, ông Nguyên nói thêm.
Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất nhiều loại nông sản Việt, với 11,5 tỷ USD năm ngoái, riêng sầu riêng là hơn 2 tỷ USD. Ngoài trái sầu, 13 loại nông sản khác được xuất chính ngạch sang thị trường này, như tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải... Dự báo năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, nông sản Việt tiếp tục gặt hái nhiều thành quả khi Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia Trung Đông ưa chuộng nông sản Việt. Ảnh hưởng của El Nino dự báo sẽ khiến nguồn cung lương thực thế giới giảm sút, và đây là cơ hội cho các mặt hàng nông sản Việt Nam đang có nhiều dư địa như gạo, sầu riêng, cà phê... |