Vì sao giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan, Pakistan?
Giá gạo xuất khẩu cao kỷ lục
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 16/10, với việc Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu gạo trắng, Việt Nam hiện là quốc gia có giá xuất khẩu gạo lớn nhất, “vượt mặt” nhiều quốc gia tiềm lực khác, gồm Thái Lan, Pakistan... Cụ thể, gạo Việt Nam 5% tấm đang được chào bán trên thị trường thế giới với giá 623 USD/tấn, gạo 25% tấm chào bán với giá 608 USD/tấn.
Giá gạo Việt Nam nằm trong top đầu xuất khẩu thế giới |
Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán trên thị trường với giá 581 USD/tấn, gạo 25% tấm chào bán với giá 533 USD/tấn và gạo 100% tấm được bán với giá là 459 USD/tấn. Với mức giá này, giá gạo Thái Lan thấp hơn giá gạo Việt Nam từ 45-75 USD/tấn.
Tương tự, gạo 5% tấm của Pakistan ở mức 563 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 483 USD/tấn và gạo 100% tấm có giá 458 USD/tấn, thấp hơn giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ 60-125 USD/tấn tùy loại.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,4 triệu tấn, tương ứng 3,5 tỉ USD, tăng 20% về lượng và tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Cơ hội lớn cho gạo Việt
Mới đây, quyền Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia, ông Arief Prasetyo Adi xác nhận trước báo giới Indonesia rằng Việt Nam và Thái Lan sẽ là hai nguồn cung gạo chính cho đợt thu mua 1,5 triệu tấn gạo tới đây của nước này.
Nguyên nhân là vì hiện tượng El Nino đã khiến cho sản lượng gạo sản xuất trong nước của Indonesia sụt giảm, giá gạo tại thị trường tăng mạnh buộc nước này phải nhập khẩu thêm 1,5 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia ngoài 2 triệu tấn gạo dự trữ đã nhập khẩu từ đầu năm tới nay.
Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cũng nhận định việc Indonesia chọn Việt Nam là nguồn cung chính cho các đợt thu mua lúa gạo đã khẳng định thêm vị thế, uy tín chất lượng của hạt gạo Việt Nam.
"Nguồn cung gạo Việt Nam luôn là nguồn cung uy tín, giành được sự tin tưởng của Chính phủ và người tiêu dùng Indonesia trong bối cảnh Indonesia đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về sản lượng lương thực sản xuất trong nước do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino”, thông báo của Thương vụ Việt Nam tại Indonesia nêu.
Cơ hội lớn cho cho thị trường Việt Nam xuất khẩu gạo sang thế giới |
Ngoài ra, các loại gạo của Việt Nam cũng có lợi thế lớn ở thị trường Philippines. Theo ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - thị trường Philippines đã quen ăn các chủng loại gạo do Việt Nam cung cấp. Đây là gạo chất lượng cao và thơm nhẹ có khả năng cạnh tranh rất tốt, đặc biệt là cạnh tranh về giá bán.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo thị trường nội địa trước những mối đe dọa về an ninh lương thực.
Trước đó, chia sẻ với Báo Công Thương, nhà khoa học, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, giá gạo xuất khẩu đang cao có thể coi là thời cơ thuận lợi để Việt Nam tăng lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, cần cân nhắc, tính toán để đảm bảo xuất khẩu gạo không chỉ mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp ngay trong thời điểm ngắn hạn, mà còn đảm bảo bền vững cho tương lai.
Theo giáo sư Xuân, tăng lượng gạo xuất khẩu trong bối cảnh giá cao có thể tạo cơ hội để nông dân, doanh nghiệp có thu nhập tốt hơn từ hoạt động nông nghiệp và thương mại. Vừa giúp cải thiện cuộc sống của người nông dân vừa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, việc tận dụng thời cơ giá cao để tăng xuất khẩu gạo có thể tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và cung cấp nguồn thu nhập đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam.
Vào ngày 20/7, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ra thông báo số 20/2023 cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo (non-Basmati) sau khi mưa gió mùa xuất hiện muộn ảnh hưởng mùa màng của nước này. Lệnh cấm đã tạo ra một cú sốc trên thị trường lúa gạo thế giới, và dấy lên lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu. Khoảng 1 tuần sau đó, các quốc gia khác như Nga, UAE cũng đã thông báo ngừng bán gạo ra nước ngoài. Bộ Kinh tế Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hôm 28/7 cho biết, nước này sẽ ngừng xuất khẩu gạo trong vòng 4 tháng, áp dụng với tất cả các loại gạo. UAE cũng cấm tái xuất khẩu gạo được nhập từ Ấn Độ sau ngày 20/7. Tại Nga, chính phủ nước này cho biết lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ duy trì đến hết năm nay, nhằm mục đích bình ổn thị trường nội địa. Tuy nhiên, gạo vẫn có thể được gửi ra nước ngoài với mục đích nhân đạo. Trước tình trạng một loạt các quốc gia sản xuất gạo hàng đầu thế giới “đóng cửa”, Việt Nam đang có nhiều hơn cơ hội đưa gạo – mặt hàng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp ra thị trường thế giới, đẩy mạnh cơ hội xuất khẩu. Dẫu vậy, để có thể cạnh tranh trong việc xuất khẩu gạo sang thế giới, Việt Nam cần xem xét mức giá phù hợp. Nếu mức giá quá cao sẽ dẫn đến việc mất thị trường xuất khẩu và khi mất rồi sẽ khó lấy lại thị trường đó. |