Giá gạo Việt xuất khẩu lập đỉnh mới: Doanh nghiệp "liệu cơm gắp mắm" kẻo "già néo đứt dây"
Ấn Độ áp thuế xuất khẩu 20%, giá gạo Việt bật tăng Giá gạo Việt Nam diễn biến trái chiều với giá gạo Ấn Độ, Thái Lan Giá gạo Việt xuất khẩu lập đỉnh mới, chuyên gia nói gì? |
Trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu của nhiều nước đang chững lại, giá gạo Việt Nam vẫn duy trì đà tăng cao, bỏ xa nhiều đối thủ truyền thống như Thái Lan, Pakistan...
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), việc Ấn Độ cấm xuất khẩu loại gạo tẻ thường từ ngày 20/7 và áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% với loại gạo đồ từ ngày 25/8 đã tác động đến thị trường gạo thế giới, là nguyên nhân chính gây ra sự tăng giá nhanh chóng trên thị trường.
"Việc Ấn Độ vừa cấm xuất khẩu gạo tẻ thường vừa áp thuế gạo đồ đã tạo ra sự lo ngại về nguồn cung gạo trên thị trường thế giới. Tuy lệnh này là các biện pháp bảo vệ thị trường nội địa của Ấn Độ nhưng cũng đã tác động mạnh mẽ lên thị trường quốc tế", ông Thịnh nói.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu nên "liệu cơm gắp mắm", tận dụng cơ hội vàng khi giá gạo xuất khẩu tăng cao |
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết thêm, sự thay đổi chính sách của Ấn Độ đã làm cho các quốc gia khác phải tìm cách thích nghi và đối phó với tình hình mới. Việc giá gạo thế giới tăng mạnh có thể ảnh hưởng đến nguồn cung và có thể tạo ra biến động trong chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu.
Trong bối cảnh này, các quốc gia khác (gồm cả Việt Nam) cần thận trọng và linh hoạt trong các quyết định để tận dụng cơ hội xuất khẩu nhưng vẫn đảm bảo an toàn an ninh lương thực.
Từ góc độ của các doanh nghiệp xuất khẩu, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc gạo xuất khẩu tăng giá và đứng ở mức cao có thể mang lại lợi ích ngắn hạn. Tuy nhiên, cần phải thận trọng và linh hoạt trong chiến lược kinh doanh để tận dụng sự biến động giá này.
Theo ông Thịnh, biến động về giá gạo thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, sau đó giá có thể giảm xuống và trở về mức cân bằng. Điều này có thể tạo ra rủi ro cho các doanh nghiệp nếu họ không đưa ra quyết định khôn ngoan và tỉnh táo. Ông cảnh báo về việc "đu đỉnh" (tức ôm hàng chờ giá lên cao), có thể dẫn đến tình trạng thua lỗ khi giá gạo giảm mạnh.
Trong bối cảnh này, ông Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị các doanh nghiệp cần phải thận trọng trong việc quản lý rủi ro và đưa ra quyết định đúng đắn.
"Sự tỉnh táo và cân nhắc trong việc tham gia vào thị trường sẽ giúp doanh nghiệp tránh được những tình huống rủi ro không mong muốn do sự biến động và thay đổi của giá", ông Thịnh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long cho hay, chính sách tạm dừng xuất khẩu gạo từ Ấn Độ hay khuyến cáo giảm diện tích trồng lúa ở Thái Lan đã tác động mạnh mẽ đến thị trường gạo và dẫn đến sự tăng giá gạo xuất khẩu. Điều này không có gì lạ, thị trường gạo thế giới tuân theo quy luật cung - cầu, nên khi các quốc gia có ảnh hưởng lớn đến thị trường chỉnh cung thì sẽ tạo nên khan cầu.
"Khi có sự biến đổi trong nguồn cung cấp và nhu cầu của một hàng hóa, giá hàng hóa sẽ tăng hoặc giảm. Trong trường hợp này cung bị hạn chế, cầu tăng cao, nên giá gạo xuất khẩu sẽ tăng là đương nhiên", ông Long nói.
PGS. TS Ngô Trí Long đánh giá cao chính sách điều hành thị trường gạo thời gian qua |
Tuy nhiên, theo chuyên gia Ngô Trí Long, giá gạo bán ra trên thị trường trong nước lại không biến động quá nhiều trong khoảng thời gian gần đây. Điều này là do chúng ta làm tốt chính sách bình ổn giá, duy trì ổn định giá gạo trong nước, bất chấp các biến đổi từ thị trường xuất khẩu.
Trước đó, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong giai đoạn hiện nay.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát tình hình sản xuất thóc, gạo tại địa phương. Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá thóc gạo lên cao bất hợp lý. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để bảo đảm cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm.
"Những chính sách này nhằm mục tiêu duy trì sự ổn định thị trường gạo trong nước, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong điều hành cũng như an ninh lương thực trong tình hình biến động của thị trường thế giới", PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.