Vì sao doanh nghiệp và cả người mua nhà chưa dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng?
Nhận định đực các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị Công bố báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam quý I/2024 và dự báo quý II/2024 kết hợp Tọa đàm “Thị trường Bất động sản Việt Nam” do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức. Theo đó, các chuyên gia cho rằng nguồn vốn đang là vấn đề lớn đối với thị trường bất động sản, doanh nghiệp và cả người mua nhà để ở chưa dễ dàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng.
Doanh nghiệp và cả người mua nhà để ở chưa dễ dàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng |
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, cho biết nguồn vốn vẫn đang là một vấn đề lớn đối thị trường bất động sản. Ông Nghĩa nhìn nhận, với nguồn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp, trong ba tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu vượt xa của các ngân hàng thương mại, chiếm đến 80% tổng số lượng trái phiếu phát hành. Chứng tỏ, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã khắc phục được nợ cũ để phát hành mới. Tuy nhiên, tổng giá trị trái phiếu bất động sản phát hành chỉ khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng. Con số vẫn còn quá ít và chưa giải quyết được vấn đề gì.
Trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp Việt Nam có một nguồn vốn lớn đến từ việc phát triển kênh trái phiếu doanh nghiệp. Rất nhiều ông lớn bất động sản đã tham gia nhanh chóng kênh huy động vốn này. Nhưng do thể chế chưa đầy đủ, việc quản trị chưa sát sao hoặc tính chu kỳ lên, xuống của thị trường mà nhiều doanh nghiệp trong số này đang gặp vấn đề thanh khoản khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Vì vậy, kênh huy động vốn từ trái phiếu vẫn chưa phát huy hết vai trò và tiềm năng của mình.
“Lãi suất Việt Nam hiện đang ở mức rất thấp, nhưng chỉ thấp ở lãi suất tiền gửi còn lãi suất cho vay vẫn nằm trong top 7 các nước cao nhất thế giới. Do đó, các doanh nghiệp và cả người mua nhà để ở chưa dễ dàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng”, ông Nghĩa chia sẻ về nguồn vốn tín dụng và cho hay mới đây chúng ta đã triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư hoặc người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tuy nhiên, đến nay, gói tín dụng mới giải ngân hơn 600 tỷ đồng. Mức độ giải ngân quá chậm và ít. Song thực tế này không phải là hiếm bởi từ trước đến nay, các chính sách được Chính phủ đề ra nhưng ngân hàng là đơn vị thực hiện thì dường như không bao giờ có kết quả.
Chia sẻ thêm về vấn đề nguồn vốn, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nguồn vốn vẫn khó khăn đeo bám các doanh nghiệp. Nhu cầu vốn của thị trường rất lớn, ước tính 70 - 80 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Và vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng. Do đó, Chính phủ cần có hỗ trợ về lãi suất và pháp lý như hỗ trợ bù lãi suất chênh lệch, tạo điều kiện về pháp lý, phát hành Trái phiếu Chính phủ để huy động vốn phát triển nhà ở xã hội... Trên nền tảng nỗ lực về chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp cần chủ động nhìn nhận lại, tái cơ cấu, định hướng chiến lược phù hợp hơn với xu hướng của thị trường và hành lang pháp lý mới.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, phục hồi chậm, dự báo tăng trưởng thấp hơn năm 2023, kinh tế Việt Nam trong quý I/2024 vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực và được dự báo tiếp tục duy trì mức tăng trưởng lạc quan.
Trên nền tảng đó, cùng với sự nỗ lực và quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc gỡ vướng, thúc đẩy thị trường bất động sản bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đặc biệt là việc thông qua 3 bộ Luật vô cùng quan trọng: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản, tiến trình phục hồi của thị trường bất động sản Việt Nam cũng đang ngày càng rõ nét và lạc quan với nhiều dư địa để phát triển rực rỡ hơn nữa.
Đánh giá về tác động của Luật đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản mới tới thị trường bất động sản, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, nội dung của các bộ Luật sẽ có tác động rất tích cực tới thị trường.
Cụ thể, Luật Đất đai mới hỗ trợ việc tiếp cận thị trường đất đai của các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư, giúp phân khúc bất động sản nông nghiệp khởi sắc, nhộn nhịp hơn. Hỗ trợ tăng lực cầu tài chính tốt với quy định tạo thuận lợi cho Việt kiều mua nhà, đất trong nước... Luật Kinh doanh Bất động sản sẽ vừa gỡ vướng, vừa thanh lọc thị trường với các quy định kiểm soát môi giới, giao dịch... Trong khi Luật Nhà ở giúp tăng khả năng tiếp cận nhà ở cho người dân.