Vì sao củ đậu được ví như "nhân sâm của mùa hè"?
Củ đậu - loại củ vừa làm thuốc vừa giải khát Những thực phẩm nên và không nên kết hợp với trà Ăn trứng luộc thường xuyên có giảm cân không? |
Củ đậu còn được gọi bằng các tên khác như củ sắn, sắn nước... Củ đậu được ví như “nhân sâm của mùa hè” vì có vị ngọt nhẹ, thanh mát, có thể ăn sống trực tiếp hoặc chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như món xào, nấu canh, món hầm, nộm hoặc súp...
Trái ngược với phần củ thơm ngon bổ dưỡng thì phần lá và hạt của củ đậu rất độc và thường được tận dụng làm nguyên liệu điều chế thuốc diệt côn trùng, diệt rệp... nên người sử dụng cần rất cẩn thận.
Thành phần của củ đậu bao gồm: Tinh bột: 2,4%; Glucoza: 4,51%; Nước: 86-90%; Protein: 1,46%; Các chất dinh dưỡng khác: Sắt, canxi, photpho, vitamin C và đặc biệt là trong củ đậu không chứa chất béo.
Củ đậu được ví như “nhân sâm của mùa hè” vì có vị ngọt nhẹ, thanh mát. Ảnh: Tiki |
Củ đậu có tác dụng gì?
Củ đậu ăn có tốt không là điều được khá nhiều người quan tâm và thật bất ngờ là loại củ này có rất nhiều tác dụng mà chưa chắc bạn đã biết.
Hỗ trợ giảm cân: Củ đậu rất giàu chất xơ và tinh bột, giúp cân bằng lượng đường trong máu. Kiểm soát lượng đường trong máu là một trong những cách giảm cân hiệu quả. Đồng thời, bổ sung củ đậu vào chế độ ăn uống giúp tăng lượng chất xơ vào cơ thể, giúp bạn cảm thấy no lâu hơn.
Chính vì lý do đó, củ đậu là loại thực phẩm vô cùng được ưa chuộng trong các thực đơn giảm cân.
Tăng cường sức khỏe tim mạch: Giống như nhiều loại rau khác, củ đậu rất giàu chất dinh dưỡng tốt cho tim, bao gồm nước và các phân tử carbohydrate khác nhau. Mặt khác, củ đậu còn chứa Oligofructose inulin, liên quan trực tiếp đến việc giảm mức cholesterol và tăng cường sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, củ đậu còn chứa vitamin C (một chất chống viêm, chống lại các gốc tự do) và kali (giúp kiểm soát huyết áp), có thể hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
Cải thiện chức năng hệ miễn dịch: Thành phần chất xơ độc đáo của củ đậu có khả năng thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong đường ruột để giữ cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Ngoài ra, fructan trong củ đậu có thể ngăn ngừa đột biến tế bào và sự phát triển của khối u trong hệ tiêu hóa.
Giàu vitamin C: Ăn củ đậu mỗi ngày là cách bổ sung vitamin C đơn giản cho cơ thể. Vitamin C được coi là một chất chống oxy hóa lành mạnh, giúp loại bỏ tác hại của các gốc tự do và kiểm soát tình trạng viêm, giúp chống lại bệnh ung thư, ngăn ngừa bệnh tim mạch và chứng suy giảm nhận thức
Tốt cho xương: Oligofructose inulin trong củ đậu giúp xương chắc khỏe. Đó là nhờ khả năng tích trữ khoáng chất, giảm tỷ lệ bào mòn và tăng khả năng hấp thụ canxi vào xương.
Củ đậu cũng cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng như kali, maggie và mangan. Những chất này rất tốt cho việc chống loãng xương ở người cao tuổi.
Công dụng làm đẹp: Củ đậu rất giàu vitamin C giúp cơ thể sản sinh collagen khiến làn da trở nên mịn màng, trắng sáng. Hàm lượng nước và khoáng chất nhiều giúp dưỡng ẩm cho da, ngăn ngừa và đào thải độc tố ra ngoài. Vì vậy, ngoài việc ăn củ đậu, chị em có thể thái thành lát mỏng đắp lên da cũng rất hiệu quả. Tác dụng của củ đậu trong việc làm đẹp được nhiều chị em tin tưởng.
Những ảnh hưởng khi ăn củ đậu không đúng cách
Không ăn củ đậu thay cơm để giảm cân: Mặc dù củ đậu rất giàu chất xơ và vitamin nhưng chúng không cung cấp đầy đủ tất cả các chất dinh dưỡng mà cơ thể bạn cần hàng ngày. Do đó, hãy dừng ngay ý định chỉ ăn củ đậu để giảm cân. Nếu không, cơ thể bạn sẽ ngày càng uể oải, mệt mỏi, không đủ sức khỏe để học tập và làm việc.
Ăn quá nhiều củ đậu gây hại cho dạ dày: Hàm lượng nước trong củ đậu khá cao. Do đó, ăn một lượng lớn đến mức no căng sẽ khiến dạ dày căng phồng, giãn rộng và tiết ra nhiều dịch dạ dày hơn, làm tăng cảm giác thèm ăn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn củ đậu không tốt cho người bị đau dạ dày và việc tiêu thụ củ đậu có thể khiến cơ thể suy yếu hơn nếu ăn củ đậu thay cho bữa cơm hàng ngày.
Không ăn hạt và lá của củ đậu: Trên thực tế, lá và hạt của củ đậu có thể được dùng làm thuốc bôi ngoài da để điều trị ghẻ, nhưng bạn tuyệt đối không được ăn chúng. Lá và hạt củ đậu chứa tephrosin và rotenone. Cả hai chất này khi ăn vào đều có thể gây ngộ độc, đau bụng, co giật, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, suy hô hấp.
Khi bị ngộ độc do ăn nhầm lá hoặc hạt, các triệu chứng ngộ độc sẽ xuất hiện sau 5 - 40 phút, tiến triển nhanh sau khoảng 2 - 5 giờ, nguy hiểm đến tính mạng nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời.
Như vậy, củ đậu chứa nhiều chất xơ, vitamin C và các chất chống viêm, chống các gốc tự do, sẽ là lựa chọn tốt cho bệnh nhân tiểu đường và những người đang ăn kiêng. Hy vọng những thông tin dinh dưỡng của củ đậu sẽ hữu ích để giúp bạn hiểu được tác dụng và có chế độ dinh dưỡng phù hợp với bản thân khi dùng củ đậu. |