Vải thiều xuất khẩu thành công sang Nhật Bản: Khởi đầu thuận lợi
Màn ra mắt thành công
Hơn 2 tấn vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) chỉ sau vài giờ đã được tiêu thụ hết tại hệ thống siêu thị ở Tokyo và Osaka, Nhật Bản. Theo đó, về chất lượng quả vải, bước đầu, phía các doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng (NTD) Nhật Bản đánh giá cao do vải ăn ngon, quả vải tươi, màu sắc đẹp…
Hiện nay, khoảng 5 tấn vải thiều Lục Ngạn đang tiếp tục sang Nhật Bản theo đường biển và sẽ đến Nhật Bản trong vài ngày tới để phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân nơi đây. Các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn đang tiếp tục phối hợp cùng chuyên gia Nhật Bản xem xét, hướng dẫn và giám sát chặt sẽ quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản quả vải thiều tươi trên địa bàn huyện Lục Ngạn, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường khó tính này.
Quả vải được sơ chế trước khi xuất sang Nhật Bản |
Theo ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn- NN& PTNT), trước đó, lô vải thiều đầu tiên của tỉnh Bắc Giang xuất sang thị trường Nhật Bản đã được NTD tại đây đón nhận và đánh giá cao về chất lượng. Bình quân, giá bán lẻ vải thiều tươi tại các siêu thị Nhật Bản tương đương 530.000-550.000 đồng/kg, cao gấp 10 lần so với giá bán trong nước. Dự kiến, năm nay, khoảng 200 tấn vải thiều tươi của Việt Nam sẽ được XK sang thị trường Nhật Bản.
Ngay sau lô vải thiều Lục Ngạn, tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cũng đã XK lô vải khoảng 1,2 tấn đi Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên quả vải của Hải Dương được XK sang nước này.
Ông Nguyễn Khắc Tiến - Giám đốc Công ty CP Ameii - đơn vị chịu trách nhiệm XK vải thiều sang Nhật Bản thông tin, thị trường Nhật Bản đón nhận rất tốt quả vải thiều Việt Nam. Các đối tác của công ty cho biết, gần như không còn vải thiều tồn kho sau một ngày bày bán tại các siêu thị.
Tiếp tục chú trọng chất lượng
Thời gian qua, Bộ NN& PTNT và Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ lựa chọn và cấp 19 mã số vùng trồng đủ điều kiện, diện tích 103 ha với 107 hộ nông dân tham gia sản xuất vải thiều, ước sản lượng đạt trên 600 tấn.
Quả vải Việt Nam được đón nhận tại thị trường Nhật Bản |
Chia sẻ về lô vải đầu tiên XK đi Nhật Bản, ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở NN& PTNT Bắc Giang - cho biết: Ngay từ khi có kế hoạch XK vải đi thị trường này, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xác định mã vùng trồng, giám sát chặt chẽ quy trình chăm sóc vải thiều theo đúng yêu cầu phía bạn. Vải thiều Lục Ngạn xuất sang thị trường Nhật Bản đạt đủ tiêu chuẩn phía bạn yêu cầu. Đây là tín hiệu tốt cho việc giao thương vải thiều giữa hai nước.
“Trước thành công bước đầu đem lại, thời gian tới, Lục Ngạn vẫn tiếp tục hướng dẫn, tăng số lượng mã vùng trồng, để phát triển được sản lượng, mở rộng diện tích, đáp ứng các yêu cầu cũng như các tiêu chuẩn của thị trường nước bạn yêu cầu, tiếp tục liên kết XK với Nhật Bản và tiến tới mở rộng thị trường XK sang các nước khác trên thế giới"- ông Dương Thanh Tùng cho biết thêm.
Ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản - nhấn mạnh,vải thiều là loại hoa quả tươi thứ 4 của Việt Nam sau thanh long, xoài và chuối đã thâm nhập thành công vào thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, để sản phẩm này có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Nhật Bản, các DN XK cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm dịch và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản.
Đáng chú ý, cần phải đặc biệt lưu ý về khâu kiểm dịch, bởi bất cứ lô vải thiều tươi nào có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định của Nhật Bản đều sẽ bị trả lại, hoặc bị tiêu hủy cho dù lô hàng này đã được xử lý xông hơi khử trùng. Bên cạnh đó, ông Tạ Đức Minh cũng khuyến cáo, trái cây XK phải được thu hoạch từ nơi có quy hoạch vùng trồng, được kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có thể truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm và tuyệt đối không được dùng thuốc bảo vệ thực vật mà phía Nhật Bản không cho phép.
Việc quả vải Việt Nam được XK sang thị trường Nhật Bản có ý nghĩa rất lớn, khẳng định được uy tín của quả tươi Việt Nam, giúp nâng cao giá trị XK quả vải; tạo tiền đề thúc đẩy sản xuất chất lượng cao với loại trái cây này. |