Ủy ban châu Âu sang kiểm tra khắc phục “thẻ vàng” IUU từ 19/10
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: NT |
Liên quan tới vấn đề khắc phục các cảnh báo của EC về khai thác IUU, phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ NN&PTNT chiều ngày 3/10, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: đến ngày 27/10 là tròn 5 năm Việt Nam triển khai các nhiệm vụ giải pháp khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” IUU của EC.
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã chủ trì đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra tình hình triển khai các giải pháp khắc phục cảnh báo của EC tại TPHCM và Khánh hòa. Trong tuần này, đoàn công tác liên ngành sẽ tiếp tục đi kiểm tra tại Quảng Ninh, Hải Phòng.
Nội dung kiểm tra chủ yếu tại địa phương là kiểm tra các nguồn nguyên liệu thủy sản khai khác, nhập khẩu tại các cảng biển; công tác truy xuất nguồn gốc; kiểm tra tại cảng cá…
Về những tồn tại, hạn chế nói chung trong công tác triển khai khắc phục những khuyến nghị của EC, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh: hiện nay, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác tại vùng biển nước ngoài vẫn diễn biến khá phức tạp. Đây là tồn tại lớn nhất để phía EC xem xét có gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam hay không.
“Thời gian tới, vai trò của địa phương, đặc biệt là Chủ tịch tỉnh, người dứng đầu cần quyết liệt hơn nữa, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu”, ông Nguyễn Quang Hùng nói.
Về yếu tố khách quan, ông Hùng phân tích, toàn bộ hạ tầng cảng cá dù đã được quan tâm, đầu tư song chưa đáp ứng được nhu cầu về kiểm soát nghề cá công nghiệp, hiện đại; thời gian tới cần tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp hơn.
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản thông tin thêm, từ ngày 19-28/10 tới, Đoàn kiểm tra của EC sẽ sang kiểm tra thực tế tình hình triển khai các giải pháp khắc phục khuyến nghị của EC. Đoàn sẽ tập trung kiểm tra kỹ tại các địa phương, sau đó đoàn có 2 ngày làm việc về các yếu tố kỹ thuật với Tổng cục Thủy sản.
Xung quanh vấn đề nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU, đặc biệt là giải quyết vấn đề tàu cá khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm Ngư, Tổng cục Thủy sản chia sẻ thêm: quá trình theo dõi tàu cá Việt Nam vi phạm tại vùng biển nước ngoài trong 10 năm qua cho thấy, đa phần khi tàu cá vi phạm nguyên nhân chính xuất phát từ ý chí chủ quan của chủ tàu cũng như thuyền trưởng.
Việc bị EC cảnh báo "thẻ vàng" đã và đang gây ảnh hưởng đáng kể tới xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường EU. Ảnh: N.Thanh |
Đáng chú ý thời gian gần đây, diễn biến vi phạm có nhiều vấn đề phức tạp hơn. Có những tàu cá đã tháo thiết bị hành trình ra để lắp đặt vào tàu khác. Ngoài ra, có trường hợp chủ tàu mua 1 tàu cũ, đăng ký tại cảng, có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, khi tàu đi đánh bắt vi phạm tại vùng biển nước ngoài lại là tàu khác.
Trong những tháng đầu năm nay, lực lượng Kiểm ngư đã thực hiện tuyên truyền cho gần 3.000 lượt ngư dân về thực hiện các khuyến nghị của EC, đặc biệt là vi phạm tại các vùng biển nước ngoài.
Đồng thời, lực lượng Kiểm ngư cũng tiến hành tuần tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên biển. Khoảng 30% tàu cá khi ra khơi có vi phạm pháp luật. Nhiều lỗi vi phạm xuất hiện ngay từ khi tàu trên bờ như không có giấy phép khai thác, không có bằng thuyền trưởng,... Đề nghị chính quyền các địa phương, các trạm biên phòng... kiểm tra chặt chẽ tàu cá trước khi ra khơi.
“Nhìn chung, thời gian tới phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp để lập danh sách tàu cá có nguy cơ vi phạm, nhận diện tàu ngay khi xuất bến và có giải pháp khi các tàu này có hành vi vi phạm tại vùng biển giáp ranh”, ông Quốc nhấn mạnh.