Tương lai của năng lượng xanh tiềm ẩn những gam màu xám
Việt Nam và EU hợp tác phát triển năng lượng xanh Năng lượng xanh quan trọng thế nào với tương lai của Việt Nam? Khu công nghiệp tự sản xuất năng lượng xanh |
Nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đang trở thành xu thế tất yếu, hơn 70 quốc gia đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Mỹ, Trung Quốc hay khu vực Liên minh châu Âu (EU), các cường quốc kinh tế đồng thời cũng là những quốc gia có mức phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, đã và đang đạt được những tiến bộ đáng kể trong lộ trình hướng tới mục tiêu net-zero. Tuy vậy, viễn cảnh thế giới đạt được trung hòa carbon vào năm 2050 vẫn còn cách rất xa và các quốc gia vẫn còn phải đối diện với nhiều “cơn gió ngược” trên con đường chinh phục mục tiêu này.
Chi phí đầu tư lớn – rào cản lớn trên con đường trung bòa carbon
Trong quá trình chuyển đổi sang một thế giới trung hòa carbon, một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia gặp phải đó chính là chi phí đầu tư lớn. Theo báo cáo của BloombergNEF, quá trình chuyển đổi sang một thế giới không phát thải ròng đòi hỏi một khoản đầu tư khổng lồ trị giá gần 200.000 tỷ USD vào năm 2050, hay gần 7.000 tỷ USD mỗi năm. Nói một cách có thể so sánh, con số này tương đương với tổng lợi nhuận doanh nghiệp và 1/2 tổng doanh thu thuế toàn cầu vào năm 2020.
Báo cáo chung của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) và Sáng kiến chính sách khí hậu (CPI) - được công bố bên lề Hội nghị quốc tế Tây Ban Nha về năng lượng tái tạo ở Madrid - cũng cho thấy rằng, mặc dù đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo đã đạt mức kỷ lục, đạt mức 500 tỷ USD vào năm 2022, con số này vẫn chưa bằng 1/3 mức đầu tư trung bình cần thiết mỗi năm từ năm 2023 đến năm 2030, theo Kịch bản 1,5°C. Các khoản đầu tư cũng không đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.
Nguồn vốn đầu tư phân bổ không đều
Không chỉ đối mặt với tình trạng thiếu vốn, mà đầu tư vào năng lượng sạch còn phân bổ không đồng đều và phần lớn tập trung ở các nền kinh tế phát triển. Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), sự thiếu hụt lớn nhất trong đầu tư năng lượng sạch là ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (EMDEs). Mặc dù chiếm 2/3 dân số toàn cầu, khu vực EMDEs chỉ nắm giữ 1/10 tài sản của thế giới và chỉ chiếm 20% tổng đầu tư vào năng lượng sạch.
Trong khi đó, để đạt được phát thải ròng bằng “0” trong tương lai, chỉ một số ít quốc gia sử dụng năng lượng sạch là chưa đủ. Do vậy, việc thiếu vốn và nguồn vốn đầu tư phân bổ rải rác có thể khiến việc chuyển đổi sang năng lượng sạch diễn ra không đồng đều trên toàn cầu, đồng thời làm chậm lại tiến trình chung hòa carbon của thế giới vào năm 2050.
Dư thừa công suất lắp đặt – Lãng phí cả về mặt kinh tế và môi trường
Theo BloombergNEF, thị trường năng lượng mặt trời toàn cầu đang phát triển nhanh chóng, với công suất lắp đặt dự kiến tăng 36% trong năm nay lên 344 gigawatt. Chỉ riêng Trung Quốc đã bổ sung thêm 142,6 gigawatt công suất năng lượng mặt trời trong 10 tháng đầu năm nay, cao hơn nhiều so với mức kỷ lục 87,4 gigawatt trong cả năm 2022 và nhiều hơn tất cả các nhà máy điện ở Anh cộng lại.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng hơn một nửa số nhà sản xuất năng lượng mặt trời của Trung Quốc có thể bị buộc phải ngừng hoạt động trong vòng 2 đến 3 năm tới vì dư thừa công suất khi cung vượt cầu. Hơn nữa, theo ước tính của một số tổ chức nghiên cứu và chuyên gia trong ngành, tổng công suất trong ngành công nghiệp quang điện của Trung Quốc có thể đạt 1.200 gigawatt vào cuối năm 2023, nhiều hơn gấp đôi mức tiêu thụ của thế giới.
Chất thải từ chính các dự án năng lượng tái tạo
Vấn đề chất thải từ lĩnh vực năng lượng tái tạo đã trở thành mối lo ngại ngày càng tăng trên toàn cầu. Khi các dự án cũ ngừng hoạt động và hệ thống cơ sở hạ tầng tái tạo “hết hạn sử dụng”, kết hợp với việc tái chế không hiệu quả, khối lượng chất thải sẽ tăng vọt. Theo một kịch bản do IRENA đưa ra năm ngoái, tổng lượng chất thải từ các dự án năng lượng mặt trời có thể lên tới 212 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050. Hơn nữa, khoảng 8 triệu tấn tấm pin mặt trời ngừng hoạt động có thể tích lũy trên toàn cầu vào năm 2030. Đến năm 2050, con số đó có thể lên tới 80 triệu.
Nhật báo Khoa học và Công nghệ của Trung Quốc cho biết vào tháng 6 rằng các tấm quang điện (PV) có tuổi thọ khoảng 25 năm và nhiều dự án của Trung Quốc đã có dấu hiệu hao mòn đáng kể. Tờ báo dẫn lời các chuyên gia nói rằng Trung Quốc sẽ cần tái chế 1,5 triệu tấn mô-đun PV vào năm 2030, tăng lên khoảng 20 triệu tấn vào năm 2050. Trong khi đó, tại Mỹ, chỉ 10% tấm pin năng lượng mặt trời được tái chế.
Đối với điện gió, theo Bloomberg, phần cánh của tua-bin gió khi hết thời gian sử dụng thậm chí không thể tái chế được mà chỉ có thể chôn dưới lòng đất. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Năng lượng Điện ước tính tất cả chất thải từ cánh tua-bin gió cho đến năm 2050 sẽ bằng khoảng 0,015% tổng lượng chất thải rắn đô thị sẽ được đưa đến các bãi chôn lấp.
Hơn nữa, tại Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng gió, thép là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các dự án gió, chiếm khoảng 90% vật liệu được sử dụng cho tua-bin gió ngoài khơi. Thép cũng là thành phần quan trọng cho các dự án gió trên đất liền.
Trong khi đó, Trung Quốc chủ yếu sản xuất thép bằng lò nhiệt cao oxy cơ bản (BF-BOF), sử dụng than cho 90% quy trình sản xuất. Đáng lưu ý, trong nhóm các nguyên liệu hóa thạch, việc đốt than lại là nguồn phát thải CO2 lớn nhất trên thế giới, chiếm thị phần gần 40%. Do đó, sự phụ thuộc vào than đá khiến ngành thép của Trung Quốc thải ra hàm lượng carbon cao.
Thế giới vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch
Theo tính toán của IEA, muốn giảm phát thải cacbon về “0” thì cần triệt tiêu 75% nhu cầu tiêu thụ dầu thô và khí đốt của thế giới này và mục tiêu là vào năm 2050 phải đạt được. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù các nền kinh tế lớn đang triển khai mạnh mẽ các dự án năng lượng tái tạo, nhưng hầu hết các nước vẫn tiếp tục thúc đẩy, trợ cấp và lên kế hoạch mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Theo nghiên cứu mới nhất của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) công bố vào tháng 11, sản lượng nhiên liệu hóa thạch toàn cầu vào năm 2030 sẽ cao hơn gấp đôi mức được cho là phù hợp với việc đáp ứng các mục tiêu khí hậu đặt ra trong thỏa thuận khí hậu Paris 2015.
Theo dữ liệu chính thức, mặc dù Trung Quốc dẫn đầu toàn cầu về năng lượng tái tạo, nước này vẫn tạo ra khoảng 70% điện năng từ nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là than đá. Để so sánh, Mỹ - nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ hai thế giới - đã sản xuất khoảng 60% điện năng từ nhiên liệu hóa thạch (than, khí tự nhiên, dầu thô) vào năm 2022.
Ngoài ra, đối với dầu thô, nguồn năng lượng hóa thạch quan trọng, sản lượng dầu dự kiến đạt 114 triệu thùng dầu mỗi ngày (bpd) vào năm 2030 và tăng lên 116 bpq vào năm 2050. Tuy nhiên, để duy trì mục tiêu 1,5°C, sản lượng sẽ cần đạt 88 bpd vào năm 2030 và 32 bpd vào năm 2050.
Theo dữ liệu của IEA, sản lượng dầu toàn cầu hiện nay là gần 102 bpd, nghĩa là sản lượng cần phải giảm khoảng 14% vào năm 2030 và 69% vào năm 2050 so với mức hiện tại để phù hợp với mục tiêu 1,5°C. Tuy nhiên, điều này được cho là khó có thể đạt được.
Như vậy, không thể phủ nhận việc chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh thay thế cho nhiên liệu hóa thạch truyền thống là xu thế tất yếu của thế giới. Đây là động lực thúc đẩy cho nhu cầu tiêu thụ các nguyên liệu phục vụ cho việc chuyển đổi này, tiêu biểu là lithium, đồng, niken, nhôm, bạc, bạch kim…những kim loại cần thiết cho việc điện hóa mọi thứ. Điều này cũng thúc đẩy kỳ vọng về một siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa trong tương lai. Tuy nhiên, lộ trình chuyển đối sang nền kinh tế xanh vẫn còn vấp phải những thách thức rất lớn và siêu chu kỳ tăng giá mới không thể diễn ra một sớm một chiều.