Tự chủ trong Giáo dục nghề nghiệp: Cơ hội và thách thức
Hội thảo được tổ chức bởi Tổng cục GDNN với sự hỗ trợ của Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”, diễn ra trong 3 ngày tại TP. Hồ Chí Minh (23-26/10), thu hút sự quan tâm của hơn 50 lãnh đạo và quản lý từ các cơ sở GDNN cũng như đại diện từ chính phủ cấp trung ương và địa phương.
Tại hội thảo, các đại biểu sẽ được cập nhật về khung pháp lý Việt Nam về cơ chế tự chủ, phân tích các phía cạnh của cơ chế này trong quá trình vận hành tại cơ sở GDNN. Dưới sự hướng dẫn của Giáo sư, Tiến sỹ Gebhard Hafer- chuyên gia người Đức về quản lý trường học, và sự hỗ trợ của ba cán bộ đào tạo nhân rộng đã được tập huấn trước đó, các đại biểu đã lắng nghe và trao đổi nhiều kinh nghiệm quản lý tốt nhằm đảm bảo hiệu quả chi phí của các khóa đào tạo. Qua những phiên thảo luận và làm việc nhóm sôi nổi, họ cũng tìm hiểu những khả năng đa dạng hóa các nguồn ngân sách cho GDNN cũng như cơ chế đẩy mạnh hợp tác với khối doanh nghiệp.
Luật GDNN có hiệu lực năm 2015 đưa ra những quy định khuyến khích cơ chế tự chủ tại các cơ sở GDNN của Việt Nam. Tăng cường tự chủ về tài chính, nhân sự, phát triển chương trình, tuyển sinh, hợp tác doanh nghiệp và quản lý chiến lược sẽ tạo một môi trường hoạt động linh hoạt, giúp các cơ sở GDNN kịp thời đáp ứng những thách thức và nắm bắt cơ hội mới, cũng như chủ động triển khai nhiều sáng kiến nhằm cải thiện các chương trình đào tạo chất lượng đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay.
Tăng cường tự chủ cũng mang lại cho các cơ sở GDNN nhiều trách nhiệm và nhiệm vụ mới. Trước tiên, khi ngân sách nhà nước vẫn là nguồn ngân sách chủ yếu trong năm năm qua, các cơ sở GDNN cần đa dạng hóa nguồn thu để bù đắp thiếu hụt ngân sách hoặc chi trả cho các chi phí không nằm trong các hạng mục phân bổ bởi ngân sách nhà nước. Một thách thức khác là phát triển quan hệ với các công ty sử dụng lao động. Các cơ sở GDNN cần có đủ khả năng để gắn kết hiệu quả với các doanh nghiệp, tăng cường trao đổi thông tin thị trường và các khóa đào tạo, trao đổi những chương trình hợp tác mà doanh nghiệp tham gia vào các khâu của quá trình đào tạo, từ phát triển chương trình đến triển khai, đánh giá và cấp chứng chỉ đào tạo. Các cơ sở GDNN cũng cần thiết lập mối quan hệ đối tác với các công ty, các hiệp hội chuyên môn và các đối tác liên quan khác. Vì thế, để đảm bảo các hoạt động GDNN được triển khai thông suốt, cần xây dựng một mô hình hiệu quả chi phí, bao gồm phương pháp tính toán chi phí và cơ chế chia sẻ chi phí giữa các bên liên quan.
“Hội thảo mang lại cho tôi nhiều thông tin hữu ích, trong đó phải kể đến những bài học kinh nghiệm từ các cơ sở đào tạo nghề trên doanh nghiệp tại Đức. Những kiến thức và kinh nghiệm này gợi mở nhiều ý tưởng cho việc áp dụng tại cơ sở tôi đang công tác, từ đó đảm bảo hiệu quả trong quản lý trong bối cảnh tự chủ hiện nay”, bà Hồng Thị Thanh Thủy- Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Tiếp theo hội thảo, một kế hoạch bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ các cơ sở GDNN sẽ được đưa ra, tập trung vào một số chủ đề cụ thể nhằm phát triển năng lực quản lý cho các cơ sở GDNN của Việt Nam.
Sự kiện nằm trong hợp phần “Tư vấn hệ thống dạy nghề”, thuộc Chương trình hợp tác Việt-Đức về “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), được thực hiện bởi Deutsche Gesellschaft fuer Internationale Zusammenarbeit (GIZ) phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam (MOLISA).
Hội thảo cũng sẽ được tổ chức tiếp tục tại Hà Nội trong 3 ngày, từ 29/10-2/11.