Trong “vòng xoáy” thực phẩm bẩn: Minh bạch thông tin là giải pháp hàng đầu
- Người tiêu dùng hoang mang trước vòng xoáy thực phẩm bẩn
Người tiêu dùng mất lòng tin
Kết quả khảo sát của Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho thấy, có tới 72% người tiêu dùng không tin tưởng vào các sản phẩm được dán nhãn thực phẩm sạch bán trên thị trường, chỉ có 28% là tin vào thực phẩm sạch, khoảng 42% cho rằng nguyên nhân thực phẩm bẩn đang tràn làn như hiện nay có nguồn gốc từ việc chạy theo lợi nhuận của nhà sản xuất và 88% cho rằng có rất ít nhà sản xuất làm ra sản phẩm sạch.
Tại Hội thảo “Chung tay xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn, minh bạch” diễn ra mới đây, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - Trưởng Ban Vận động thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch chia sẻ: Thời gian qua, chúng ta nói quá nhiều về thực phẩm bẩn khiến người dùng lo lắng không biết tin vào đâu. Trong khi đó, những nhà sản xuất thực phẩm sạch quá ít, họ đơn lẻ và bị cuốn trong “vòng xoáy” thực phẩm bẩn. “Trước yêu cầu lớn về thực phẩm sạch, trên kệ hàng của các cửa hàng tiện ích và các siêu thị đã xuất hiện những sản phẩm có gắn nhãn sạch, nhãn GAP. Nhưng người tiêu dùng vẫn rất hoang mang về các nhãn hàng này, khi có không ít thông tin trên báo chí và mạng xã hội về việc hình thức, đối phó trong thực hiện cũng như cấp chứng nhận GAP”, bà Minh nói.
Cũng theo bà Minh, nhiều người nông dân sản xuất các sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng nhưng thông tin về sản phẩm đến với người tiêu dùng còn ít, điều này dẫn đến tiêu thụ chậm. Hoặc việc mua đồng giá các sản phẩm được đầu tư sản xuất cẩn thận với các sản phẩm khác chưa được chứng nhận đã làm cho những người đầu tư sản xuất sạch không mấy mặn mà với việc sản xuất các sản phẩm sạch theo quy trình.
Rất cần minh bạch thông tin
Để vượt qua được “vòng xoáy” thực phẩm bẩn, nhiều chuyên gia cho rằng, việc liên kết sản xuất, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, phát triển thị trường thực phẩm sạch là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, thực phẩm an toàn rất cần tính minh bạch. Bởi hiện nay, theo điều tra có tới 56% người tiêu dùng đang có nhu cầu tìm yếu tố minh bạch của các sản phẩm. Chỉ khi thông tin sản phẩm được minh bạch, người tiêu dùng mới tin tưởng sử dụng sản phẩm được bán trên thị trường. Đây sẽ là nguồn khách hàng tin cậy của các doanh nghiệp, nhà sản xuất, phân phối, giúp đảm bảo việc làm ăn bền vững của các công ty.
Chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành nhấn mạnh, minh bạch chính là yếu tố cần thiết để tạo lòng tin cho người tiêu dùng, đồng thời là yếu tố để nâng cao sức cạnh tranh cho nhà sản xuất. Trong đó, tính minh bạch cần đảm bảo các yếu tố cơ bản về nguyên liệu sản xuất (loại gì), nguồn gốc (có an toàn không), công nghệ sản xuất và thông tin cảnh báo. Đồng thời, tính minh bạch của các sản phẩm cần được kiểm tra thông qua các đơn vị cùng trong đối tác tự kiểm tra hoặc cùng phối hợp với các cơ quan chức năng nhà nước tiến hành kiểm tra. Việc kiểm tra cần tính tới tần suất, quá trình công bố.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, việc các nhà sản xuất liên kết lại thông qua Hiệp hội Thực phẩm minh bạch sẽ không chỉ giúp giải quyết hiệu quả vấn đề an toàn vệ sinh, mà còn khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ. Qua đó góp phần đưa nông nghiệp từng bước lên sản xuất lớn và nâng cao vị thế nhà sản xuất, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Nguyễn Hạnh