Trồng và chế biến chè Tân Cương trở thành di sản quốc gia
Gìn giữ thương hiệu chè Tân Cương Nghề thủ công làm muối ớt Tây Ninh là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia |
Xã Tân Cương nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 12km, được thành lập từ năm 1926, với đặc điểm là vùng đất bán sơn địa, chủ yếu là những gò đồi dạng bát úp, có độ dốc vừa phải, rất thích hợp với việc trồng các loại cây hoa màu, cây công nghiệp, đặc biệt là cây chè.
Vùng chè Tân Cương |
Người có công khai phá mảnh đất Tân Cương, đồng thời là người có công đầu trong việc trồng và phát triển cây chè tại xã là ông Vũ Văn Hiệt, người dân thường gọi là ông Đội Năm sinh năm 1883 tại xã Bạch Xam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Ông Đội Năm đã có công lớn khai khẩn đất hoang, gây dựng cây chè trên vùng đất mới nên người dân Tân Cương coi ông là ông Tổ của nghề trồng và chế biến chè Tân Cương.
Năm 1930 là dấu mốc quan trọng khi ông Đội Năm cho mở hiệu bán buôn, bán lẻ sản phẩm trà tại khu vực thị xã Thái Nguyên (nay là thành phố Thái Nguyên). Ông đã lấy thương hiệu riêng cho trà Tân Cương với tên gọi “Trà Cánh Hạc”.
Thương hiệu “Trà Cánh Hạc”đã nổi danh khắp mọi vùng, miền trong cả nước, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho cây chè Tân Cương. Cây chè trở thành cây kinh tế chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo và là nguồn thu nhập chính của nhân dân và kinh tế địa phương.
Tân Cương nằm phía đông dãy núi Tam Đảo nên những đồi chè tránh được sương muối và ánh nắng gắt từ phía Tây. Nhiều năm qua, hầu hết các đồi chè đều được người dân trồng và chăm sóc theo mô hình VietGAP, dùng phân vô cơ. Thuốc trừ sâu được thay bằng sản phẩm sinh học.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, Tân Cương có nền đất sỏi cơm màu đỏ son được hình thành từ lớp phù sa cổ, pha chút đất sét, nên chè có hương vị ngọt sau khi uống và mùi thơm đượm. Độ pH dưới 7 của đất cũng làm chè ngon hơn.
Những lá chè được người dân hái từ sáng sớm, khi sương còn đọng trên lá. Có ba cách hái chè, tương ứng với ba cấp độ hảo hạng, ngon nhất là ngọn non - đinh đinh trà; búp chè - trà nõn; và cành chè non - trà móc câu. Sau thu hoạch, lá chè được đem đi sơ chế và chế biến, sao cho lá xoăn, khô đều và không bị vỡ.
Trà Tân Cương thơm ngon nhất khi được pha với nước sôi cùng một chiếc ấm đất nung. Trà khi uống có mùi thơm mạnh, vị chát đậm dịu, hậu ngọt, không xít hoặc đắng.
Để tôn vinh nghề truyền thống của người dân nơi đây, đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ cho người trồng, chế biến chè và những người uống trà, yêu thích trà, hằng năm, cứ vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch, Lễ hội “Hương sắc trà Xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương” lại được tổ chức để đón du khách gần xa đến trẩy hội và trải nghiệm.
Thái Nguyên hiện nay có 6 vùng chè đặc sản gồm: Tân Cương, La Bằng, Trại Cài - Minh Lập, Sông Cầu, Tức Tranh, Phú Ninh. Trong đó, vùng chè Tân Cương những năm gần đây đã trở thành điểm du lịch quen thuộc, có giai đoạn đón hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm.
Tới các vùng chè ở Thái Nguyên, du khách được giới thiệu về lịch sử cây chè, văn hóa trà; được trực tiếp tìm hiểu, tham gia quy trình sản xuất, tạo thành phẩm và trải nghiệm văn hóa bản địa.
Thời gian qua, thấy rõ được vị trí, vai trò của cây chè và văn hóa trà trong phát triển du lịch, tỉnh Thái Nguyên đã xác định việc phát triển du lịch gắn với văn hóa trà làm một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trà như du lịch cộng đồng; du lịch nông nghiệp; du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng…