Nghề thủ công làm muối ớt Tây Ninh là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Tây Ninh tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao Tây Ninh: Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào dân tộc |
Muối tôm Tây Ninh ra đời trong giai đoạn hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của quân và dân Tây Ninh. Ban đầu là muối ớt, muối tôm do các chị, các mẹ ở hậu phương gửi vô rừng tiếp tế cho chồng con ăn dần.
Sau giải phóng, muối vẫn tiếp tục hiện diện trong nhiều gia đình ở Tây Ninh, nhưng lúc này không chỉ được dùng ăn với cơm nữa mà để chấm trái cây.
Du khách chấm trái cây thấy ngon, hỏi người bán mua về ăn, làm quà người thân mỗi khi đi viếng miếu Bà, thăm Toà thánh Cao Đài… Thế là nhiều người bắt đầu làm muối bán, rồi dần phát triển thành một nghề.
Muối Tây Ninh trở thành một loại hàng hoá vượt ra ngoài gia đình, đến với nhiều người tiêu dùng cả nước và ra nước ngoài. Người Tây Ninh cho rằng sự ra đời của muối Tây Ninh xuất phát từ đời sống sinh hoạt, thói quen ăn uống của gia đình gắn với thời thực phẩm còn thiếu thốn, chỉ có hạt muối đưa đẩy miếng cơm và mang dấu ấn lịch sử văn hoá của vùng đất Tây Ninh.
Đồng thời muối Tây Ninh ra đời còn gắn với đặc trưng văn hoá tín ngưỡng của đất thánh đạo Cao Đài… Tất cả những điều kiện của thiên - địa - nhân hữu ý này đã trở thành những nhân duyên, để nâng hạt muối thành một loại muối gia vị - định danh là muối Tây Ninh.
Muối tôm thường có 3 dạng hạt: kiểu hạt to, hạt nhuyễn, hạt mịn với đủ loại: muối ớt tôm cay nhẹ, vị mặn gắt; muối tôm hành phi ít mặn, cay nhẹ, nồng nàn mùi tôm hoà quyện cùng vị thơm của hành, tỏi phi; muối tôm đỏ hạt to, ít mặn, vị cay nhẹ, thơm mùi tôm…
Hiện nay, nghề làm muối Tây Ninh tồn tại ở 2 cấp độ quy mô chính: dạng là những lò muối/hộ nhỏ lẻ làm thủ công và hộ nâng thành cơ sở sản xuất muối và thực phẩm, đăng ký thương hiệu muối Tây Ninh.
Đồng thời, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 37 cơ sở đăng ký thương hiệu hành nghề làm muối ớt chính thức ở các huyện Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng, thị xã Hoà Thành và rải rác ở huyện Châu Thành, Bến Cầu, Dương Minh Châu và thành phố Tây Ninh.
Như vậy, cùng với nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ (ở tỉnh Tây Ninh), lễ Kỳ yên đình Gia Lộc, múa trống Chhay-dăm, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen, lễ hội Quan Lớn Trà Vong - Tân Biên và nghệ thuật chế biến món ăn chay..., nghề thủ công truyền thống làm muối ớ Tây Ninh là di sản văn hóa thứ 8 của tỉnh này được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.