Trà Vinh: Liên kết tiêu thụ sản phẩm dừa hữu cơ
Chuỗi giá trị dừa là 01 trong 02 chuỗi giá trị được Ban Quản lý Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh (Dự án SME Trà Vinh) chọn hỗ trợ phát triển. Dự án đặt mục tiêu triển khai xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ trên địa bàn 02 huyện Châu Thành và huyện Tiểu Cần. Theo đó, Công ty TNHH chế biến nông sản Thuận Phong đầu tư 1.000 ha dừa hữu cơ tại huyện Châu Thành; Công ty TNHH Trà Vinh Farm đầu tư 20 ha dừa hữu cơ để thu mật đạt tiêu chuẩn EU, USDA, JAS ở xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần.
Người trồng dừa được doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra |
Tại buổi lễ, đại diện Công ty TNHH chế biến nông sản Thuận Phong thực hiện ký kết với HTX nông nghiệp Xuân Thành, Công ty TNHH Khánh Đăng thu mua dừa trái khoảng 812 ha ở xã Lương Hòa và Song Lộc (huyện Châu Thành). Công ty TNHH Trà Vinh Farm ký kết liên kết thu mua với Tổ hợp tác mật hoa dừa xã Phú Cần, diện tích 20 ha (30 hộ). Giá dừa khô trái được thu mua cao hơn với giá thị trường từ 10 - 15%. Đối với mật hoa dừa được thu và cân tại công ty với giá thu 9.000 - 15.000 đồng/kg mật tươi.
Ngày 31/5/2022, tỉnh Trà Vinh đã phê duyệt chiến lược nâng cao chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, Dự án SME Trà Vinh là đơn vị phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chiến lược này. Mục tiêu của chiến lược nhằm nâng cao chuỗi giá trị dừa trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển chuỗi dừa theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu, có vùng nguyên liệu tập trung ở các huyện: Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Kè, Cầu Ngang và thành phố Trà Vinh với quy mô khoảng 24.200 ha gắn với các doanh nghiệp ngành dừa tạo những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và ổn định.
Các liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ trồng dừa để phát triển sản xuất nhằm gia tăng thu nhập từ 10 - 15% và tạo việc làm cho lao động khu vực nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Chính vì thế, tỉnh Trà Vinh dự kiến phát triển khoảng 550 ha dừa sáp đặc sản, tập trung trên địa bàn các huyện: Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần và Châu Thành. Mở rộng diện tích trồng và cải tạo vườn dừa bị lão hóa khoảng 3.000 ha với giống có năng suất, chất lượng cao như: Dừa dâu xanh, dừa dâu vàng, dừa xiêm xanh tại các vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chiến lược phát triển sản xuất và chế biến của các doanh nghiệp.
Phát triển các vùng nguyên liệu dừa hữu cơ |
Phấn đấu đến năm 2025, năng suất dừa đạt khoảng 16 tấn/ha; có ít nhất 8.000 ha dừa theo hướng hữu cơ, trong đó có 6.000 ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế, chiếm 32% diện tích dừa của tỉnh; có ít nhất 10 doanh nghiệp liên kết với các hộ sản xuất dừa xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ chuỗi sản phẩm dừa có giá trị gia tăng cao ra thị trường; trong đó, có ít nhất 02 doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Từ khi ký hợp đồng liên kết tạo đầu ra cho vùng nguyên liệu dừa tại địa phương, các thành viên HTX tham gia dự án đã an tâm sản xuất, có thu nhập ổn định. Người trồng dừa được doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật và khi thu hoạch, doanh nghiệp thu mua dừa trái giá cao hơn giá thị trường. Trong quá trình sản xuất, các hộ tham gia được ưu đãi các dịch vụ về sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật trồng và chăm sóc dừa hữu cơ, nhất là được doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật ủ phân hữu cơ để trồng dừa.
Thông qua chuỗi liên kết, nông dân cũng như các thành viên HTX không còn lo ngại về đầu ra. Do đó, HTX tiếp tục đề xuất với doanh nghiệp về việc mở rộng vùng nguyên liệu trồng dừa hữu cơ, vừa góp phần giải quyết đầu ra dừa trái cho nông dân, vừa nâng cao chuỗi giá trị dừa trong tương lai.
Tuy nhiên, để tạo chuỗi liên kết ngành dừa hoạt động hiệu quả, thời gian tới, Trà Vinh cần định hướng phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ trồng dừanhằm sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững chuỗi sản phẩm dừa trên địa bàn tỉnh.