TP. Hồ Chí Minh cần quan tâm hơn đến phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo
Thủ tướng: Chính phủ sẽ đàm phán với các đối tác để hỗ trợ các nhà đầu tư năng lượng tái tạo Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Tư duy và hành động trong giai đoạn mới |
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đề nghị như vậy khi thực hiện giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021.
Cần hoàn thiện luật điện lực hướng đến phát triển năng lượng bền vững
Tại buổi giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh ngày 21/2, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh – cho biết: Nhằm đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân thành phố, Quy hoạch phát triển điện lực TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035 được xây dựng và ban hành kịp thời làm cơ sở cho ngành điện đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện.
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021 |
Hướng đến phát triển năng lượng bền vững, theo định hướng năm 2025, ít nhất 80% rác thải phải được đốt phát điện và tái chế, thời gian qua TP. Hồ Chí Minh đã kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện, vừa xử lý rác vừa tạo nguồn năng lượng an toàn cho môi trường nhằm hướng đến phát triển năng lượng bền vững.
“Cũng theo Quy hoạch phát triển điện lực TP. Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ có tốc độ gió trung bình tương đối cao, đây cũng là khu vực có tiềm năng gió của Thành phố với khả năng lắp đặt đạt đến 55MW đối với điện gió trên bờ. Hiện nay có hai nhà đầu tư đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh cho phép khảo sát để đề xuất dự án điện gió tại vùng biển ngoài khơi huyện đảo này” - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh thông tin.
Luật Điện lực được ban hành đã lâu (năm 2004) và đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, song nội dung sửa đổi bổ sung không nhiều…, từ thực tiễn đó, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc kiến nghị cần sửa đổi, hoàn thiện Luật Điện lực và các luật khác liên quan đến ngành năng lượng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn cơ chế thị trường bán buôn, bán lẻ điện; nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo… Qua đó, thúc đẩy phát triển ngành điện, bảo đảm cung ứng đủ điện phát triển kinh tế-xã hội, cũng như nhu cầu sử dụng điện của nhân dân.
Cần quan tâm hơn đến phát triển năng bền vững
Liên quan đến phát triển điện gió theo Quy hoạch phát triển điện lực TP. Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, biển Cần Giờ có tiềm năng phát triển loại hình năng lượng sạch này. Từ đó, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi: TP. Hồ Chí Minh đã đánh giá cụ thể về tiềm năng phát triển điện gió của Thành phố chưa và nếu chưa thì cần đánh giá cụ thể.
TP. Hồ Chí Minh có tiềm năng về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo |
Trong khi đó, bà Phạm Thị Ngọc Diệu - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng bền vững. Trong đó, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng kết nối khu vực, cùng với đó thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư, khai thác và sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng…
Về câu hỏi của Đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - thông tin: Về phát triển điện gió, trước đây đề án Quy hoạch điện nghiên cứu điện trên bờ của vùng biển Cần Giờ và cho kết quả đạt công suất vào khoảng 55 MW. Ngoài ra, năm 2017, Ngân hàng Thế giới đã nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng phát triển nguồn năng lượng điện mặt trời trên mái nhà tại TP. Hồ Chí Minh, có thể đạt công suất tối đa lên đến 6.300 MW.
Ngoài ra, ghi nhận và đánh giá cao các đơn vị đã triển khai và thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2021, ông Hà Phước Thắng - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đề nghị trong giai đoạn tới các đơn vị, địa phương quan tâm hơn đến phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Cùng với đó phát triển hệ thống quản lý và xử lý chất thải trong sản xuất năng lượng với công nghệ tiên tiến, phù hợp với định hướng mục tiêu phát triển của TP. Hồ Chí Minh.