TP. Hồ Chí Minh - 4 trụ cột xây dựng đô thị thông minh
Triển khai nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố thông minh |
Đẩy nhanh tiến độ các hạng mục
Theo đề án "Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020", có 4 trụ cột chính sẽ trở thành bộ khung định hướng cho tất cả các hạ tầng và ứng dụng gồm: Trung tâm dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở, Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng quy hoạch chiến lược và Trung tâm an toàn thông tin.
Ngoài tập trung xây dựng 4 trung tâm, Ban điều hành Đề án Smart City của thành phố cũng xác định từng ngành, lĩnh vực triển khai đề án. Đặc biệt, vấn đề xây dựng Trung tâm dữ liệu dùng chung được các đơn vị đặc biệt quan tâm. Bởi nếu dữ liệu bị ngắt quãng hoặc thiếu, sai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của các trung tâm khác. Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, bài toán dữ liệu dùng chung có 2 giai đoạn. Thứ nhất, xây dựng cơ chế tạo lập và khai thác cơ sở dữ liệu. Thứ hai, cơ chế để duy trì cập nhật cơ sở dữ liệu này.
Để đẩy nhanh tiến độ, từ đầu năm đến nay, đề án xây dựng dữ liệu dùng chung đã được triển khai thí điểm tại 3 đơn vị đại diện cho quận 1, quận 12 và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy đang trong thời gian triển khai thí điểm nhưng quá trình thực hiện vẫn phải khớp với tiêu chuẩn, kế hoạch chung.
Thời gian qua, Ban điều hành đã tiến hành làm việc với các viện, trường, cơ quan nghiên cứu, giới doanh nghiệp (DN) khoa học công nghệ để xây dựng một số chương trình cho việc vận hành thành phố thông minh (TPTM) theo những tiêu chuẩn công nghệ nhất định. Các ứng dụng và sản phẩm của bất kỳ DN, tổ chức nào được xây dựng trên cơ sở này sẽ không chỉ kết nối, chia sẻ dữ liệu với nhau, mà còn có thể thích ứng với xu hướng phát triển công nghệ trong tương lai của thế giới. Ngoài ra, các ứng dụng đi dần từ những ứng dụng cụ thể để xác tín tính hiệu quả, sau đó mới đầu tư nhân rộng.
Vận dụng nội lực, chú trọng hợp tác
Theo đánh giá của các chuyên gia Trường Đại học Harvard Kennedy (Hoa Kỳ), việc xây dựng TPTM sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho thành phố. Các dịch vụ số sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý TP. Hồ Chí Minh phải xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp, đồng thời làm rõ chính quyền sẽ quản lý những gì, người dân tham gia vào các công đoạn nào… trong quá trình xây dựng và vận hành TPTM.
Bên cạnh đó, chủ trương của thành phố là mong muốn làm dần, từ những quy mô nhỏ và bằng nguồn nội lực trong nước để tiết kiệm chi phí đầu tư, bên cạnh hợp tác và hỗ trợ tốt nhất từ quốc tế, đặc biệt với những tên tuổi lớn trong xây dựng hệ thống giải pháp cho TTPTM như Hoa Kỳ, Phần Lan.
Trong việc xây dựng TPTM, con người có vai trò rất quan trọng. Do đó, sự hiểu biết, tinh thần tham gia tích cực và trách nhiệm của mỗi công dân sẽ góp phần quan trọng làm nên TPTM. Để làm được điều đó, cần thay đổi tích cực, mạnh mẽ đối với các lĩnh vực liên quan sát sườn đến người dân trong việc ứng dụng vận hành TPTM như thủ tục hành chính, y tế, giáo dục…
Các mục tiêu xây dựng TPTMgồm: Tăng trưởng kinh tế; phục vụ người dân về môi trường, y tế, giáo dục…; người dân được hưởng lợi từ các dịch vụ, cải cách thủ tục hành chính; giám sát các hoạt động của chính quyền. Trong tương lai, sẽ thành lập trung tâm dữ liệu; trung tâm điều hành TPTM; xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong quá trình vận hành. |