Tín dụng bất động sản tăng, trái phiếu doanh nghiệp giảm
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản quý I/2025 cho thấy dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đạt mức 1.488.332 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng nhẹ 2% so với cuối năm 2024 (hơn 1,46 triệu tỷ đồng).
Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16% trong năm 2025, tương đương với việc bổ sung khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế.
Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai gói tín dụng 145.000 tỷ đồng dành riêng cho lĩnh vực này, đồng thời khuyến khích các ngân hàng mở rộng cho vay với các dự án nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp.
Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, quý I/2025 ghi nhận tổng giá trị đạt 25.130 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
![]() |
Tín dụng bất động sản vượt 1,48 triệu tỷ đồng, FDI vào ngành tăng hơn 44%, trong khi trái phiếu doanh nghiệp vẫn chững lại và áp lực đáo hạn vẫn neo cao trong quý 1/2025. Ảnh minh hoạ |
Đáng chú ý, phát hành trái phiếu ra công chúng lại tăng 68%, đạt 23.130 tỷ đồng, chủ yếu nhờ sự tham gia của các ngân hàng và công ty chứng khoán. Doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng 30,3% tổng giá trị phát hành trái phiếu mới.
Song ngành này cũng chịu áp lực lớn khi chiếm tới 53,1% tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong năm 2025, với số tiền lên tới 96.527 tỷ đồng, đồng thời dẫn đầu về tỷ trọng mua lại trái phiếu trước hạn với 58,6%, tương đương 11.361 tỷ đồng.
Báo cáo cũng cho biết, trong quý đầu năm có 3 trường hợp chậm trả lãi trái phiếu mới với tổng giá trị 4.854 tỷ đồng, chủ yếu thuộc các lĩnh vực bất động sản và xi măng. Mặc dù phát hành ra công chúng tăng, các doanh nghiệp bất động sản vẫn thận trọng hơn trong việc huy động vốn qua kênh trái phiếu so với các năm trước.
Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là nguồn lực quan trọng hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản.
Đến hết quý I/2025, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 11 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành bất động sản đứng thứ hai về tổng vốn đầu tư đăng ký với hơn 2,39 tỷ USD, tăng 44,1%.
Các dự án FDI nổi bật gồm tổ hợp sân golf và khách sạn tại Hưng Yên với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD và dự án Tháp Phương Trạch tại Hà Nội với vốn đầu tư khoảng 1,55 tỷ USD do liên doanh BRG và Sumitomo thực hiện.
Để duy trì đà tăng trưởng lành mạnh và ổn định thị trường bất động sản, các bộ, ngành và cơ quan trung ương được đề nghị tập trung rà soát và hoàn thiện pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đồng thời tuyên truyền, phổ biến và thực thi nghiêm túc các luật mới như Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023. |
Đọc nhiều

Infographic | Top 10 ô tô bán chạy nhất tháng 5/2025

Đà tăng ngắn hạn giữ vững nếu VN-Index trụ vững trên 1.350 điểm

Ô tô nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh gần 60%

Seongnam (Hàn Quốc) - Đối tác chiến lược trong thu hút đầu tư của Thanh Hóa

Thị trường chứng khoán hồi phục, quỹ cổ phiếu đạt hiệu suất cao nhất 12 tháng

Infographic | Mốc thời gian tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025 cần lưu ý

Quản lý thị trường Đà Nẵng tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá hàng tỷ đồng

Báo chí thời Nghị quyết 18: Gọn để tinh, đổi mới để phát triển

Thị trường xe máy Việt phục hồi, xe điện tăng tốc
