Tìm lợi thế cạnh tranh cho xuất khẩu điều
Không đạt mục tiêu, doanh nghiệp xuất khẩu điều tìm thị trường ngách Năm 2023, xuất khẩu điều chỉ đặt mục tiêu 3,1 tỷ USD |
Đối mặt nhiều khó khăn
Khác với hoạt động sản xuất sôi nổi, nhộn nhịp, hai tháng đầu năm nay, nhiều nhà máy điều tại Bình Phước, Đồng Nai đang phải hoạt động cầm chừng. Một số doanh nghiệp ghi nhận mức sụt giảm hai con số. Số liệu thống kê cho thấy, 2 tháng đầu năm xuất khẩu điều giảm 14,3% về giá trị khi chỉ đạt 327 triệu USD, mức giảm còn được dự báo sẽ giảm sâu đến hết quý II/2023.
Ông Cao Thúc Uy - Giám đốc công ty TNHH Cao Phát - cho biết, hiện nay thị phần hạt điều đã giảm, nhu cầu tiêu thụ của thế giới đã giảm. Cụ thể, thị trường Mỹ giảm khoảng gần 10 % và EU cũng tương tự như vậy.
Lý giải về sự sụt giảm này, ông Tạ Quang Huyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Hoàng Sơn 1 - cho biết, nguyên nhân chính là do nhu cầu đang giảm dần. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ sẽ trở lại mức trước dịch. Trong khi đó, lượng cung nhân vẫn tăng đều, nguồn cung điều thô cũng tăng lên, công suất chế biến của Việt Nam và Ấn Độ cũng tăng mạnh, chưa kể là các nước Châu Phi như Bờ Biển Ngà. “Hiện công suất chế biến của Bờ Biển Ngà đã đạt 200.000 tấn/năm. Đây là một trong những đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam”, ông Tạ Quang Huyên chia sẻ.
Xuất khẩu điều tiếp tục đối mặt nhiều thách thức trong năm 2023 |
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Họa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam - cho biết, tình hình lạm phát ở các thị trường tiêu thụ chính của nhân điều Việt Nam vẫn căng thẳng. Đặc biệt là tình hình tồn kho nhân điều ở các kho, các cảng tại những thị trường này. Mặc dù không có số liệu thống kê cụ thể về tình hình tồn kho này, nhưng việc hầu hết các nhà nhập khẩu nhân điều của châu Âu, Hoa Kỳ và các nước khác đều không có nhu cầu mua nhân điều cho đến hết quý II/2023 cho thấy lượng tồn kho của họ đã đáp ứng đủ nhu cầu trong 2 quý đầu năm 2023.
“Thông thường ở thời điểm hiện tại của những năm trước, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng ít nhất là đến quý III năm sau, nhưng năm nay thì cao nhất cũng chỉ đến tháng 6 và số lượng cũng rất ít, chỉ bằng 1/10 những năm trước”, ông Nguyễn Minh Họa thông tin.
Cũng theo ông Họa, việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp điều trong năm 2023 sẽ còn khó khăn hơn năm 2022. Bởi giá điều thô vẫn được bán ở mức rất cao, trong khi giá nhân bán ra rất thấp. Do đó, ông Họa cho rằng các doanh nghiệp nên thận trọng, không nên nhập khẩu điều thô với mức giá cao như hiện nay.
Tăng chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng
Thực trạng phát triển nóng ngành đều diễn ra nhiều năm, cạnh tranh mua nguyên liệu giá cao, bán nhân giá thấp không chỉ hệ lụy đến giá trị mà còn báo động về vấn đề chất lượng sản phẩm. Trước khó khăn đó, một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bà Tô Thị Nga - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nga Biên - chia sẻ, trong giai đoạn thị trường khó khăn, doanh nghiệp đã cố gắng vượt qua bằng cách đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất theo quy trình khép kín, tạo ra hàng hóa chất lượng cao với mong muốn sản phẩm được nhiều người biết đến, cùng thưởng thức và tự hào là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Ông Nguyễn Thái Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điều Long Sơn chia sẻ, hiện nay tất cả các thị trường đều rất quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm. Đặc biệt là các vấn đề về kiểm tra hóa chất trong sản phẩm, đặc biệt các thuốc trừ sâu trong sản phẩm thực phẩm. Do đó, các doanh nghiệp phải đảm bảo các tiêu chuẩn này thì sản phẩm mới có thể tiêu thụ tốt.
Cũng theo ông Sơn, công ty đã thâm nhập vào thị trường Mỹ từ lâu và càng ngày công ty càng phải nâng cao ttiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Hiện nay, doanh nghiệp đang tiếp thị các mặt hàng cao cấp hơn, đó là hạt điều organic.
Bên cạnh đó, để tạo được vị thế trên thị trường, ông Nguyễn Huỳnh Nghĩa – Phó Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Dân Ôn cho rằng, để có giá trị thặng dư và để tạo được chỗ đứng trên thị trường, doanh nghiệp phải đầu về sản phẩm, chất lượng sản phẩm, chất lượng bao bì và cả về an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của xuất khẩu.
Chế biến sâu có thể tăng giá trị lên 2- 3 lần so với bán thô nhưng là câu chuyện của đường dài vì không phải doanh nghiệp nào cũng gỡ được nút thắt về vốn. Vì vậy, trước mắt các doanh nghiệp nên chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, tránh thiệt hại khi mua nguyên liệu giá cao, bán không lợi nhuận, đồng thời chủ động mở rộng tệp khách hàng, tích lũy cơ hội và chờ thị trường tiêu dùng khởi sắc.