Tiềm năng cho thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam
Nhu cầu đầu tư vào trái phiếu xanh tăng lên
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững là phương tiện huy động vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án có lợi ích về môi trường và xã hội, tài chính sáng tạo nhằm hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững và Hiệp định khí hậu Paris 2015. Trong những năm gần đây, sự phát triển của thị trường trái phiếu dán nhãn, đặc biệt là trái phiếu xanh, đã thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư quốc tế. Cộng đồng nhà đầu tư tổ chức với danh mục đầu tư lớn, bao gồm cả những khoản đầu tư có chức năng liên quan đến bền vững đang ngày càng tìm kiếm các cơ hội đầu tư xanh và các-bon thấp. Là thành viên của Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN, UBCKNN đã tích cực tham gia thúc đẩy các tiêu chuẩn trái phiếu xanh ASEAN, trái phiếu Xã hội ASEAN và tiêu chuẩn trái phiếu bền vững ASEAN nhằm tạo ra một loại tài sản bền vững ở Việt Nam.
Nhu cầu đầu tư vào trái phiếu xanh tăng lên hướng tới phát triển kinh tế xanh, bền vững. Ảnh: ST |
Tính đến tháng 10/2020, Việt Nam đã có 4 đợt phát hành nợ xanh với tổng trị giá gần 284 triệu USD, được phát hành bởi một tổ chức được Chính phủ bảo lãnh (23,4 triệu USD năm 2016), một chính quyền thành phố (3,6 triệu USD năm 2016) và hai khoản vay xanh (tương ứng 71 triệu USD và 186 triệu USD vào năm 2020). Hiện phần lớn nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu (57%) được sử dụng cho năng lượng tái tạo - ngành chính được các bên liên quan của Việt Nam quan tâm cùng với ngành chất thải và nông nghiệp.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC (Tập đoàn Tài chính quốc tế) tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, IFC đã tham gia thành công vào một số các giao dịch trái phiếu xanh tại khu vực Đông Nam Á và đang tìm kiếm các cơ hội tham gia vào thị trường trái phiếu xanh đầy tiềm năng tại Việt Nam trong thời gian tới.
“Chúng tôi tin tưởng trái phiếu xanh sẽ mở ra kênh huy động vốn mới cho các dự án đầu tư dài hạn trong lĩnh vực hạ tầng và năng lượng tái tạo mà hiện nay các định chế tài chính chưa thể đáp ứng hết được bằng các sản phẩm tài chính truyền thống. Điều này sẽ góp phần mở rộng nguồn vốn hỗ trợ quá trình hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững của Việt Nam”, ông Kyle Kelhofer chia sẻ.
Nhiều triển vọng
Về triển vọng đối với trái phiếu xanh tại Việt Nam, UBCKNN cũng đã chỉ ra một số ngành có tiềm năng thu hút đầu tư như ngành năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, vận tải các-bon thấp, quản lý nước, trong đó, với ngành năng lượng tái tạo, số liệu cho thấy các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam hiện chỉ chiếm 2,1% tổng sản lượng điện được sản xuất vào năm 2019. Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ trọng sản xuất năng lượng tái tạo lên 7% vào cuối năm 2020 và 10% vào năm 2030, đồng thời giảm sử dụng điện than NK.
Theo Báo cáo Cơ hội đầu tư khí hậu của IFC, từ 2016 đến 2030, Việt Nam có thể thu hút được khoảng 753 tỷ USD đầu tư cho khí hậu, trong đó phần lớn (khoảng 571 tỷ USD) là đầu tư cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Đầu tư cho năng lượng tái tạo có thể thu hút được 59 tỷ USD, trong đó hơn một nửa (31 tỷ USD) là vào các dự án năng lượng mặt trời và 19 tỷ USD cho các dự án thủy điện nhỏ. Khoảng 80 tỷ USD sẽ đầu tư vào lĩnh vực công trình xanh.
Tuy nhiên, theo UBCKNN, mặc dù có nhiều cơ hội để mở rộng quy mô, việc phát hành trái phiếu xanh cho đến nay vẫn còn chậm. Mới đây, UBCKNN phối hợp với IFC ban hành sổ tay hướng dẫn phát hành loại trái phiếu này, qua đó hướng dẫn về cách thức phát hành, cách quản lý dòng tiền, nguồn vốn cho các dự án xanh, đặc biệt là việc công bố thông tin về môi trường, xã hội của DN một cách minh bạch để có thể thu hút vốn đầu tư vào trái phiếu xanh. Các dự án hướng tới mục tiêu "xanh" như: năng lượng, quản lý chất thải, ô nhiễm..., các DN trong lĩnh vực tài chính, du lịch... đều có thể phát hành trái phiếu xanh. Đây sẽ là kênh hút vốn quan trọng đối với các nhà đầu tư quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn lớn từ xã hội để thực hiện tăng trưởng xanh, bền vững.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch, UBCKNN, tài liệu hướng dẫn này sẽ giúp các thành viên thị trường hiểu rõ thông lệ quốc tế và khu vực về cách thức phát hành, quản lý nguồn vốn cho các dự án xanh và công bố thông tin về môi trường và xã hội của DN mình.
“Đây là bước đi quan trọng, giúp phát triển DN theo hướng vững chắc hơn, góp phần xây dựng thị trường chứng khoán ngày một bền vững hơn thông qua việc phát triển các sản phẩm xanh trên thị trường”, ông Phạm Hồng Sơn nói.
Thị trường vốn Việt Nam có thể còn sơ khai, nhưng trái phiếu xanh đã bắt đầu xuất hiện trong nước, thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế hỗ trợ các dự án đầu tư có tác động tích cực đến môi trường cho nền kinh tế. UBCKNN khuyến nghị dùng bộ công cụ này để hỗ trợ các tổ chức phát hành cách thức phát hành trái phiếu xanh dựa trên các thông lệ quốc tế tốt nhất nhằm tạo ra nguồn vốn mới đồng thời đảm bảo thị trường trái phiếu xanh Việt Nam đáng tin cậy trong dài hạn.