Thương vụ tại Pháp: Nỗ lực mở rộng nhu cầu của thị trường đối với hàng Việt
Thị trường Pháp sẽ nhập khẩu khoảng 2-3 tấn vải thiều Việt Nam Doanh nghiệp gạo Việt Nam tìm đường vào thị trường Pháp Mang sản phẩm hồ tiêu Việt Nam đến với thị trường Pháp |
Tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận được thị trường
Mới đây, Tuần hàng Việt Nam 2023 tại siêu thị Super U được tổ chức tại Pháp đã tạo được sự quan tâm lớn của doanh nghiệp sở tại. Đây là một trong những hoạt động được Thương vụ Việt Nam tại Pháp tổ chức trong khuôn khổ Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ Công Thương chủ trì.
Tham gia Tuần hàng Việt Nam 2023 tại Pháp lần này còn có đoàn 15 doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, mà còn cả mây tre đan và dệt may, mang những sản phầm độc đáo của mình để trưng bày và quảng bá trực tiếp với người tiêu dùng Pháp. Cũng trong khuôn khổ chương trình này, các doanh nghiệp Việt Nam đồng thời được kết nối trực tiếp với các bộ phận thu mua của cả hệ thống phân phối bản địa và cả hệ thống phân phối hàng châu Á tại Pháp.
Hàng Việt trên kệ siêu thị Pháp. Ảnh: TTXVN |
Ông Vũ Anh Sơn – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết, cho tới nay, các hoạt động tương tự đã được tổ chức tại 3 chuỗi phân phối bán lẻ lớn nhất tại Pháp là E.Leclerc, Carrefour và Systeme U. Carrefour là hệ thống đi tiên phong trong việc đăng ký tổ chức sự kiện Tuần Việt Nam là một sự kiện thường niên. Ngoài Tuần Việt Nam vinh danh Tết Nguyên đán, Tuần lễ vinh danh Tết Trung thu cũng lần đầu tiên được tổ chức trên chuỗi cửa hàng của hệ thống phân phối E.Leclerc vào tháng 9/2022.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp nhấn mạnh, sau 3 năm triển khai, thành công của các hoạt động quảng bá, lan tỏa hình ảnh văn hóa, ẩm thực, hàng hóa Việt Nam đã được mở rộng tới hệ thống Systeme U lần đầu tiên vào năm nay. “Những hoạt động hết sức quan trọng trong nỗ lực định hướng người tiêu dùng bản địa, với đích nhắm tới người tiêu dùng phổ thông là người Pháp, không chỉ bó hẹp trong cộng đồng người châu Á mà từ đó mở rộng nhu cầu của thị trường với hàng hóa Việt Nam, tạo tiền đề cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam hơn nữa có thể tiếp cận được thị trường khó tính này”- ông Sơn cho biết.
Dư địa thị trường còn lớn
Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại Liên minh châu Âu. Thương mại hai chiều giữa Pháp và Việt Nam tương đổi ổn định, đặc biệt là chiều Việt Nam xuất khẩu sang Pháp. Dù vậy, theo Thương vụ Việt Nam tại Pháp, dư địa phát triển thị trường Pháp còn rất lớn, do thị phần hàng hoá Việt Nam tại Pháp còn ít. Vì vậy, thời gian tới hàng Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để xuất khẩu sang thị trường này, nhất là khi Hiệp định EVFTA đang được thực thi hiệu quả, là động lực để hàng Việt gia tăng hiện diện trên kệ siêu thị Pháp.
Để nắm cơ hội xâm nhập thị trường Pháp, ông Vũ Anh Sơn lưu ý các doanh nghiệp cần nắm rõ các đặc trưng của thị trường. Theo đó, dù Pháp là một cường quốc nông nghiệp thế giới với thặng dư thương mại luôn ở mức trên 5 tỷ euro mỗi năm, nhưng nếu loại trừ hai nhóm hàng là rượu và ngũ cốc ra khỏi danh sách các sản phẩm nông nghiệp, nền nông nghiệp Pháp sẽ có thâm hụt thương mại mang tính cấu trúc. Giá trị thâm hụt ngày càng tăng nhanh, từ -5,9 tỷ Euro năm 2010 lên tới -11 tỷ Euro năm 2019.
Trên thực tế, ông Vũ Anh Sơn thông tin, nông sản, thực phẩm nhập khẩu của Pháp hàng năm cung cấp khoảng 20% cho lượng tiêu dùng nội địa nước này với giá trị nhập khẩu năm 2019 đạt 56 tỷ Euro. Các nhóm hàng nông, thủy sản Pháp có thâm hụt lớn nhất là thủy, hải sản, (rau quả và trái cây). Đối với thủy, hải sản, thâm hụt thương mại 2019 của Pháp đạt - 4,4 tỷ Euro. Gần 2/3 lượng tôm, cá tiêu thị tại Pháp phụ thuộc vào nhập khẩu. Đối với rau quả và trái cây, năm 2019 thâm hụt thương mại của Pháp với nhóm hàng này đạt -5,9 tỷ Euro. Hơn 1 nửa lượng rau, quả tiêu dùng tại Pháp được nhập khẩu.
Tuần Việt Nam vinh danh văn hóa, ẩm thực và hàng hóa Việt Nam được Thương vụ Việt Nam tại Pháp tích cực tổ chức. Ảnh: TTXVN |
Bên cạnh đó, theo ông Vũ Anh Sơn, Pháp là thị trường có dân số lớn thứ 2 châu Âu với gần 68 triệu người; là quốc gia có thị trường bán lẻ lớn thứ 2 châu Âu với tổng giá trị khoảng 470 tỷ Euro (sau Đức 560 tỷ) và có đến 4 trên tổng số 10 tập đoàn bán lẻ lớn nhất tại châu Âu là từ Pháp. Đồng thời, Pháp là quốc gia có cộng đồng người châu Á lâu đời nhất và lớn nhất tại châu Âu và cộng đồng Việt kiều đông nhất tại châu Âu với gần 400 nghìn người. người Việt tại Pháp cũng hội nhập sâu nhất vào nước bản địa.
Với các đặc thù đó, ông Vũ Anh Sơn cho rằng, về lý thuyết, tiềm năng đến từ cấu trúc thị trường và dư địa chưa được khai thác là rất lớn. Tuy nhiên, với một thị trường đã được định hình từ lâu như Pháp và châu Âu, với nhu cầu của thị trường với hàng Á châu đã "gần chạm ngưỡng" và đã có rất nhiều nhà cung cấp/phân phối lâu năm, việc đưa thêm hàng hóa vào thị trường đòi hỏi nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp trong việc luôn đổi mới chính mình, nắm rõ và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu chặt chẽ nhất của thị trường.
Ngoài ra, việc đồng hành, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, trong đó có các Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Thời gian qua, với hiểu biết về thị trường, văn hóa, mô hình và tập quán kinh doanh, những mối quan hệ gắn kết với các nhà nhập khẩu/phân phối, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã phối hợp cùng với các đối tác xây dựng chương trình tổng thể trung và dài hạn trong việc quảng bá, lan tỏa văn hóa, ẩm thực và hàng hóa Việt Nam tới đông đảo người tiêu dùng tại Pháp. Trong khuôn khổ chương trình tổng thể này, hàng hóa Việt Nam sẽ dần được đưa vào thị trường Pháp với thương hiệu của chính doanh nghiệp Việt Nam.
Mặt hàng tiên phong trong khuôn khổ hợp tác này được Thương vụ Việt Nam tại Pháp, Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ cùng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương xác định là mặt hàng gạo. Đó cũng chính là lý do, tháng 9/2022, lần đầu tiên chúng ta chứng kiến gạo thương hiệu Việt Nam có mặt trên hầu hết các kệ hàng trong các đại siêu thị lớn nhất của Pháp. “Không chỉ mang lại những lợi ích cụ thể, các hoạt động trong chương trình tổng thể, như hoạt động tổ chức Tuần hàng Việt Nam, Tuần Việt Nam vinh danh văn hóa, ẩm thực và hàng hóa Việt Nam được tổ chức liên tục trong 3 năm qua là cách hữu hiệu nhất để định hướng người tiêu dùng, giáo dục thói quen tiêu dùng của người Pháp, từ đó mở rộng nhu cầu của thị trường đối với hàng Việt Nam”- ông Vũ Anh Sơn nhấn mạnh.