Thuế tối thiểu toàn cầu: Cơ hội và thách thức thu hút dòng vốn FDI
Hài hòa lợi ích khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu ‘12.000 tỷ đồng từ Samsung, Intel, Foxconn... nguy cơ chảy khỏi Việt Nam' Sẵn sàng cho “sân chơi” thuế tối thiểu toàn cầu |
Ưu đãi thuế không còn là lợi thế
Thuế tối thiểu toàn cầu là một trong hai trụ cột chính của Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng vào tháng 6/2013.
Theo đó, mức thuế tối thiểu toàn cầu được quy định là 15%, áp dụng đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu EUR (800 triệu USD) trong ít nhất hai năm của bốn năm liền kề gần nhất.
Chính vì tầm ảnh hưởng lớn như vậy, thuế tối thiểu toàn cầu hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn và các quốc gia. Ngày 16/12/2022, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS) đã công bố có 138 nước đồng thuận đối với chính sách thuế này. Việt Nam cũng là một trong những nước đồng thuận và hiện đang dự thảo Nghị quyết để chính thức áp dụng vào đầu năm 2024.
Đối với mức thuế suất, thực tế hiện nay Việt Nam đang áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như: ưu đãi về thuế suất (10% lên đến 15 năm và 20% lên đến 10 năm); miễn, giảm thuế có thời hạn (tối đa đến 9 năm); cho phép chuyển lỗ khi tính doanh thu chịu thuế (trong vòng 5 năm); hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư; cho phép được khấu hao nhanh hay những ưu đãi về thuế, giảm tiền thuê đất khác…
Chính những ưu đãi này đã tác động tích cực đến dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam nhiều năm qua.
Tại Phiên họp thứ 26 Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Cụ thể, Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm 20 nước thu hút FDI hàng đầu thế giới, trong khi đầu tư nước ngoài trên toàn cầu có xu hướng giảm.
Trong năm 2021, vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì sự ổn định và vượt mốc 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Vào năm 2022, Việt Nam cũng đã thu hút gần 30 tỷ USD, dù giảm so với cùng kỳ nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch.
Việt Nam cũng đã thu hút đầu tư nước ngoài từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua là Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Trong nhiều năm qua, ưu đãi miễn, giảm thuế là công cụ quan trọng trong thu hút FDI tại Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp thuộc diện ưu đãi cả về thuế suất và thời gian thì mức thuế suất thực tế thấp hơn 15% sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn FDI toàn cầu, do đó Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế.
Tại hội thảo “Ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu đến đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam” mới diễn ra, PGS. TS Lê Trung Thành Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, theo một số nghiên cứu, việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo ra thay đổi lớn trong môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam, từ đó ảnh hưởng đến dòng FDI vào quốc gia. Khi áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế không còn là tiêu chí để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài lớn, Việt Nam bị giảm lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Thuế tối thiểu toàn cầu cơ hội và thách thức thu hút dòng vống FDI. Ảnh: Báo Đầu tư |
Hội nhập chuyên nghiệp
Tuy gặp những thách thức mới trong hút dòng vốn đầu tư nhưng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ đem lại những lợi ích nhất định đối với kinh tế Việt Nam.
Cũng tại hội thảo “Ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu đến đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam” chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp tăng cường hội nhập của Việt Nam một cách chuyên nghiệp cũng như góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Đồng thời đây cũng là dịp Việt Nam cải cách môi trường kinh doanh, đầu tư một cách quyết liệt hơn.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Việc áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới, như: Tăng nguồn thu ngân sách nhà nước; Tăng cường hội nhập quốc tế; Giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
Dù biết, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo ra những xáo trộn trong quản lý cũng như thu hút dòng vốn FDI, nhưng cũng mở cơ hội để Việt Nam đổi mới chính sách, tăng nguồn thu ngân sách, tạo môi trường chuyên nghiệp bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho các nhà đầu tư.
Trước đó, tại cuộc họp chuyên đề về pháp luật do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vào ngày 26/7, các ý kiến cũng đều thống nhất sớm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu nhưng cũng cần nghiên cứu bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới để đảm bảo khả năng cạnh tranh và tăng hấp dẫn thu hút dòng vốn FDI.